Chiến thuật “vây lấn”
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng – nguyên Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, cho biết, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng hết sức vĩ đại của Đảng và nhân dân ta.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhắc lại: Thất bại tại biên giới Thu – Đông năm 1950 nên thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng 3 phân khu với 49 cứ điểm, trong đó có 2 sân bay. Ngoài ra, tại Điện Biên Phủ còn có đầy đủ các binh chủng chiến đấu như pháo binh, bộ binh, không quân…
Làm đường kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Trong khi đó, quân đội ta đã trưởng thành nhưng vẫn còn thiếu thốn, xa hậu phương. Nhưng chúng ta có đường lối, phương án tác chiến độc lập, tự chủ và đã có những quyết định sáng suốt.
Theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, một điểm nổi bật của chúng ta thành công với chiến thuật “vây lấn”. Đây là hình thức chiến thuật tiến công địch trong công sự lâu bền bằng cách bao vây, tiêu hao và lấn chiếm từng bước rồi tiêu diệt. Theo đó, trong đợt tấn công thứ hai (bắt đầu từ ngày 30/3/1954), ta và địch giành nhau từng tấc đất. Trận chiến ác liệt nhất là đồi A1, C1, D1 và C2, thương vong cả hai bên rất lớn. Vì thế, quân ta quyết định đào hệ thống công sự, chiến hào để cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh và tiếp cận các vị trí của địch. Quân ta bí mật áp sát vào tận sâu trong cứ điểm, đến nỗi quân Pháp có cảm giác bộ đội ta như “từ dưới đất chui lên” ngay giữa lòng chảo Điện Biên. “Đây là nghệ thuật quân sự điển hình nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghệ thuật này đã thể hiện rõ vai trò hiệp đồng tác chiến các binh chủng của quân đội nhân dân Việt Nam”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam xây nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sỹ tại Nghệ An. |
Còn theo Thiếu tướng Lê Như Đức – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội, việc tổ chức chiến trường phân tán lực lượng của địch cũng là một nghệ thuật quân sự của ta. Theo đó, trước khi tấn công Điện Biên Phủ, quân ta áp sát cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, giải phóng thị xã Lai Châu khiến cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập giữa vùng rừng núi Tây Bắc. Sau đó, ta phối hợp với quân Lào mở chiến dịch tấn công Trung Lào, Hạ Lào khiến Pháp phải điều động quân sang Trung Lào đối phó. Cuối tháng 12/1953, toàn bộ địa bàn tỉnh Khăm Muộn (Lào) được giải phóng. Phòng tuyến Trung Lào của địch bị phá vỡ. Để cứu nguy, Pháp tiếp tục điều động thêm một binh đoàn cơ động và một binh đoàn không vận từ đồng bằng Bắc Bộ sang để đối phó. Như vậy, lực lượng của chúng đã bị phân tán và suy yếu, chúng ta quyết định đánh và giành thắng lợi ở cứ điểm Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta đào hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. |
Huy động sức mạnh toàn dân
Theo Thiếu tướng Lê Như Đức, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động được quân, dân tại nhiều tỉnh, thành, như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên… cùng ra trận. Trong hoàn cảnh còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhân dân đã nhường cơm sẻ áo, đóng góp lương thực, thực phẩm. Không những thế, hàng ngàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong tình nguyện làm đường và vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Điện Biên Phủ.
Cùng với đó, lực lượng bộ đội công binh đã ngày đêm lao động xuyên rừng để mở những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới; huy động được sự đồng lòng, đồng sức của toàn dân tộc để giành chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng và Đông Dương nói chung.
Đồng quan điểm, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho rằng, trước những khó khăn, ta đã huy động được sức mạnh toàn dân, dựa vào nhân dân là chính. Sức mạnh của nhân dân, cả dân tộc đã được Đảng ta phát huy khéo léo, không những trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn cho đến tận bây giờ. Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định một dân tộc dù nhỏ bé nhưng khi đã đồng lòng vẫn có thể chiến thắng kẻ thù dù hung bạo và mạnh mẽ đến đâu. Ngoài ra, Đảng ta cũng rất khéo léo trong ngoại giao và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn khắp năm châu cả về tinh thần và vật chất.
Đánh giá về sức mạnh của lòng dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông Xuân 1953 – 1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc. Bọn đế quốc không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”.
Thiếu tướng Lê Như Đức – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội, tặng quà các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Cũng theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, thực tiễn thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã minh chứng chỉ có quy tụ, tập hợp được “lòng dân”, thì mới khơi dậy được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân, từ đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần, giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.