Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội… về phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong thời gian tới.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phải bảo đảm hiệu quả, thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những nội dung chủ yếu

Giới thiệu những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng đó là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển…

Quy hoạch xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu là: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030; trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch được xác định là: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn…

Bổ sung đánh giá sâu hơn về dân số, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn 

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết nội dung báo cáo tổng hợp quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021-2030.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình – địa mạo, địa chất – thổ nhưỡng tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và đánh giá các điều kiện này tác động đến phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, làm rõ lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, đề nghị bổ sung đánh giá sâu hơn về dân số, nguồn nhân lực, tài nguyên nhân văn.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phải bảo đảm hiệu quả, thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần bổ sung các phân tích, đánh giá rõ hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn.

Về sử dụng đất, Ủy ban kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ nguyên nhân của việc không thực hiện được một số chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia. Đối với đất lâm nghiệp, cần làm rõ các chỉ tiêu, cơ sở dữ liệu để xác định việc tăng/giảm diện tích rừng.

Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với 3 nhóm nội dung về định hướng khai thác và sử dụng vùng trời, tuy nhiên theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, các nội dung này mới chỉ ở mức độ khái quát, chưa làm rõ được các vấn đề cụ thể về khai thác và sử dụng vùng trời. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các định hướng trong sử dụng vùng trời gắn với bố trí mạng lưới sân bay…

(THẢO NGUYÊN & CHIẾN THẮNG – BÁO QĐND)