NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
CCB ĐÀO THIỆN SÍNH GỬI CHÙM THƠ (TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA) LÀ LỜI TRI ÂN TỚI CÁC LIỆT SỸ VÀ ĐỒNG ĐỘI THÂN YÊU – CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN VỚI MỐI TÌNH THUỶ CHUNG SON SẮT GIỮA 3 DÂN TỘC VIỆT NAM – LÀO – CAMPUCHIA; BBT trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài III:
THĂM LẠI BÔ KEO
Bô Keo trên một quả đồi (1)
Hôm nay gặp lại bồi hồi nhớ thương
Bao năm lặn lội chiến trường (2)
Đồng bào đưa đón dặm đường tôi qua
Những ngày dừng lại với nhà
Đơn sơ vách nứa mà tha thiết lòng!
Măng chua, ốc suối vui chung
Với ly rượu lá3 múa cùng thâu đêm…
Bô Keo ơi! Khắc trong tim
Bản làng nghèo khó xây nên nghĩa tình
Bô Keo bát ngát rừng xanh
Đi xa mà chẳng quên mình… rừng ơi!
Bô Keo thắm mãi tình người
Cho tôi ôm cả đất trời Bô Keo4
Bô Keo, ngày 21/10/2010
Đào Thiện Sính
(Trích trong tác phẩm: “Con sông quê hương và nỗi nhớ” trang 209 Nhà Xuất Bản Văn Học. tháng 9/2012).
(1) Bô Keo là tên một bản ở tỉnh Natakiri, Campuchia
(2) Từ năm 1970 – 1982, tôi và đồng đội. Bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ Quốc tế.
(3) Rượu lá: Rượu nấu ủ men bằng một thứ lá cây rừng
(4) Ngày 21/10/2010, ngày thăm lại chiến trường xưa
LỜI BÌNH (Giáo sư Tạ Đức Hiền – nguyên giảng viên trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội)
Tác giả bài thơ “Bô Keo” là Đào Thiện Sính, một sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hơn mười năm trời (1970-1982) đã sống và chiến đấu, ở chiến trường Đông Bắc Campuchia. Chế độ diệt chủng của Pôn Pốt bị xóa bỏ và quét sạch, đất nước và nhân dân Campuchia đã được hồi sinh. Hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên ngọn đồi, cánh rừng, con suối của nước bạn.
Đã gần 30 năm trôi qua, Đào Thiện Sính cùng một số đồng đội mới có dịp trở lại chiến trường ngày nào khi mái tóc các anh đã phai sương. Xiết bao bồi hồi được gặp lại cảnh cũ người xưa. Tiếng thơ thổn thức ngẹn ngào cất lên:
Bô Keo trên một quả đồi
Hôm nay gặp lại bồi hồi nhớ thương
Anh nhìn Bô Keo từ xa. Hai chữ “bồi hồi” cực tả nỗi xúc động dâng lên trong lòng. “Hôm nay” đó là ngày 21/10/2010. Bô Keo là một bản nhỏ thuộc tỉnh Natakiri của nước bạn. Bô Keo đã từng diễn ra những trận đánh dữ dội, ác liệt. Bô Keo xa lạ mà trở nên gần gũi yêu thương. Có biết bao kỷ niệm sâu sắc đằm thắm nghĩa tình: tình đồng đội chiến đấu, tình quân dân, tình quốc tế cao cả:
Bao năm lặn lội chiến trường
Đồng bào đưa đón dặm đường tôi qua.
Xông pha lửa máu đâu chỉ ngày một ngày hai mà là đã “bao năm”, đã hơn mươi năm “lặn lội”, nếm trải đủ mùi gian khổ, khó khăn và nguy hiểm. Bao máu xương đã đổ xuống, bao đồng đội đã ngã xuống, giặc phục kích khắp nơi, bom mìn đầy đường, cái chết rình rập, nhưng đã có “đồng bào đưa đón dặm đường tôi qua” đồng bào bản Bô Keo hiền lành đã trở thành tai mắt của quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày máu đổ đầu rơi. Tình nghĩa ấy sâu nặng biết bao.
Bô Keo là một bản nghèo! Lại càng xơ xác nghèo hơn trong những năm dài quằn quại dưới ách thống trị kìm kẹp của bọn sát nhân, của lũ diệt chủng. Bị giết dã man bằng cuốc! Bị đầy đọa trọng các trại tập trung và lao động khổ sai. Bị chết vì đói rét, v..v…
Trong cảnh ngộ đen tối và đau đớn đó, đồng bào Bô Keo cũng như hàng ngàn bản làng khác trên đất nước Campuchia anh em đã dành cho người chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam những tình cảm tốt đẹp nhất:
Những ngày dừng lại với nhà
Đơn sơ vách nứa mà tha thiết lòng!
Măng chua, ốc suối vui chung
Với ly rượu lá múa cùng thâu đêm…
Mấy chục năm trời đã trôi qua, nhưng anh chiến sĩ tình nguyện Việt Nam có bao giờ quên được hương vị của bản nghèo xa xôi. Vị măng chua, con ốc suối, ly rượu lá, điệu múa tiếng hát chan hòa tình quân dân là ký ức mà nhà thơ và đồng đội cuả anh mãi mãi ghi sâu trong lòng.
Nghĩ về tình quân dân, nhiều người trong chúng ta thường nhớ lại, nhắc lại vần thơ của Tố Hữu trong bài “Việt Bắc” (1945):
Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Cũng nói về mối quan hệ ấy, tình nghĩa ấy, Đào Thiện Sính đã viết nên những vần thơ đẹp nhất:
Măng chua, ốc suối vui chung
Với ly rượu lá múa cùng thâu đêm…
Qua đó, ta càng thấm thía và rung động khi nhớ lại, nhắc lại những kỉ niệm vui hoặc buồn trong đời mình, nhất là khi những kỷ niệm ấy đã được trái tim ghi lại trong những tháng ngày gian khổ, đầy máu và nước mắt.
Đoạn cuối giọng thơ cất lên man mác thiết tha qua những vần thơ cảm thán: “Bô Keo ơi khắc trong tim…Đi xa mà chẳng quên mình…rừng ơi! Rừng Bô Keo “cho” ta nước uống, cho ta lá cây, rễ cây làm thuốc một thời vô cùng gian khổ, thiếu thốn và hy sinh. Rừng là nơi mắc võng trú quân để đánh giặc! rừng Bô Keo, như gặp lại cố nhân nặng tình nghĩa thủy chung, người chiến sĩ tình nguyện quân thốt lên nghẹn ngào. Sau vần thơ có biết bao dòng lệ:
Bô Keo bát ngát rừng xanh
Đi xa mà chẳng quên mình…rừng ơi!
Chữ “mình” là điểm sáng hội tụ bao nghĩa tình, cùng là kết tinh vẻ đẹp ngôn ngữ bài thơ “Bô Keo”.
Hai câu cuối bài thơ dâng lên như lời hát ngọt ngào. Tưởng như tác giả đang đứng lặng ngắm nhìn Bô Keo, bồi hồi sống lại bao kỷ niệm sâu sắc đang cuồn cuộn dâng lên trong lòng:
Bô Keo thắm mãi tình người
Cho tôi ôm cả đất trời Bô Keo.
Các chữ: “thắm mãi”, “ôm cả” sáng bừng vần thơ. Người lính chiến đã từng đổ máu chiến đấu cho sự hồi sinh của một dân tộc mới có thể hát lên với tất cả niềm tự hào: “Cho tôi ôm cả đất trời Bô Keo…”
Vần thơ lục bát trong bài “Bô Keo” để lại bao dư vị trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tình chiến đấu, tình quân dân, tình quốc tế cao cả