NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
CCB ĐÀO THIỆN SÍNH GỬI CHÙM THƠ (TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA) LÀ LỜI TRI ÂN TỚI CÁC LIỆT SỸ VÀ ĐỒNG ĐỘI THÂN YÊU – CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN VỚI MỐI TÌNH THUỶ CHUNG SON SẮT GIỮA 3 DÂN TỘC VIỆT NAM – LÀO – CAMPUCHIA; BBT trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài IV:
DÂNG TRỌN TUỔI XUÂN
Kính tặng: “Chị em XPXP thời máu lửa oai hùng- chống Mỹ cứu nước”
Tuổi xuân gửi lại chiến trường
Má đào, da mịn gió sương phai rồi
Trở về quê mẹ thảnh thơi
Đung đưa võng bạt, chồng thời cho qua…
………………….
Bây giờ em đã tuổi già
Bước chân lận đận vào ra một mình!
Thương nhau ai cũng chỉ dành.
Lời thư thăm hỏi nghĩa, tình thuở xưa….
…………………..
Trải bao giãi nắng dầm mưa
Bom gầm, đạn nổ……say sưa vần cười
Hi sinh hơn chục năm trời
Làm đường xe chạy sáng ngời niềm tin.
…………….
Xông pha lửa đạn ngày đêm
Giờ đây gió mạnh bên thềm….mà run
Từ xa anh gửi nụ hôn!
Để em thức dậy với vườn hoa xuân
Đường 20 Quyết Thắng – Quảng Bình, hè 2004
Đào Thiện Sính
Đôi điều cảm nhận bài thơ “Dâng trọn tuổi xuân”
Đào Thiện Sính viết bài thơ “Dâng trọn tuổi xuân” vào mùa hè năm 2004, khi ông trở về con đường huyền thoại này: Tuổi xuân gửi lại chiến trường, Má đào da mịn, gió sương phai rồi… Đường 20 Quyết thắng dài 125 km nối Đông và Tây Trường Sơn. Khi mở đến đâu ngụy trang đến đó. Hơn 100 ngày lao động quên mình, vừa đánh địch vừa xẻ núi, bạt đồi, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá để mở đường của hơn 8 vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công hỏa tuyến. Trong đó lực lượng thanh niên xung phong nữ chiếm số đông.
Trải bao dãi nắng dầm mưa,
Bom gầm đạn nổ… say sưa vẫn cười.
Hy sinh gần chục năm trời,
Làm đường xe chạy sáng ngời niềm tin.
Khi trở lại con đường ngày xưa, ông nhớ như in những trọng điểm ném bom của kẻ thù trút xuống như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích… Cảnh xưa bây giờ đã khác, người xưa gặp lại không nhiều. Dấu tích xưa chỉ còn lại Hang Tám Cô và cây ra ráng. Cây ra ráng là nơi treo một mảnh bom làm kẻng báo động khi có máy bay tới. Lòng tôi bồi hồi: Con đường này là cung đường lửa, Mỹ dội xuống đây hàng vạn tấn bom. Nhưng mặc bom rơi, lửa cháy, chị em vẫn xông ra cùng bộ đội xẻ núi, bắc cầu. Chịu đựng mưa nắng, sốt rét nhiều chị em rụng hết tóc nhưng vẫn kiên cường với khẩu hiệu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” để giữ vững mạch máu giao thông của miền Bắc hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam yêu thương, hàng trăm chị em đã anh dũng hy sinh.
Khi miền Nam giải phóng rồi, chị em được trở về quê hương:
Trở về quê mẹ thảnh thơi,
Đung đưa võng bạt, chồng thời cho qua…
Nhà thơ Đào Thiện Sính tâm sự: “Khi tôi xem báo và truyền hình, đọc các tác phẩm về Thanh niên xung phong thời chống Mỹ, phóng sự Vầng trăng khuyết đã giúp tôi khi vào lại con đường huyền thoại 20 Quyết Thắng, bài thơ Dâng trọn tuổi xuân cứ thế tuôn trào”.
Bây giờ em đã tuổi già,
Bước chân lận đận vào ra một mình.
Thương nhau ai cũng chỉ dành
Lời thư thăm hỏi nghĩa tình thuở xưa.
Thương đấy, nhớ đấy nhưng khoảng cách xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ gặp nhau qua thư gửi bưu điện. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu dần, chồng con nhiều bà, nhiều chị không có. Đành phận đung đưa trên võng bạt, cái võng là vật kỷ niệm cùng với cái ba lô còn giữ tới bây giờ.
Xông pha lửa đạn ngày đêm
Giờ đây gió mạnh bên thềm… mà run.
Tôi được gặp gỡ ông Đào Thiện Sính từ năm 2004, bây giờ ông đã là người thân thiết kính yêu. Lần này ông được xuất bản tập thơ mang tên “Nghĩa tình đi cùng năm tháng”, tôi xin mạn phép chọn bài thơ “Dâng trọn tuổi xuân” để suy ngẫm.
Là phụ nữ nên càng hiểu và càng cảm thông với các bà, các mẹ đã chịu nhiều gian khổ, đau thương trong chiến tranh, đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Đến nay, cuộc sống của đa phần cựu thanh niên xung phong còn thiếu thốn (qua báo đài), nhất là thiếu tình thương yêu của người ruột thịt. Tôi xin phép hỏi nhà thơ về 2 câu kết:
Từ xa anh gửi nụ hôn
Để em thức dậy với vườn hoa xuân.
Ông thong thả đáp: “Thời ấy các bà, các mẹ sống chung và làm việc với nhau chỉ toàn là con gái, nhiều bà đã anh dũng hy sinh tuổi độ trăng tròn. Số bà còn sống trở về quê kiếm tấm chồng sao mà khó thế, bởi gió sương bom đạn làm cho má đào, da mịn phôi phai nên đã ở vậy đến già. Nụ hôn và hoa xuân tôi mường tượng hào hoa để động viên các bà, các chị”.
Bài thơ dâng trọn tuổi xuân như bức tranh sinh động chứa chan tình đất, tình người dành kính tặng các bà, các mẹ là thanh niên xung phong thời máu lửa oai hùng trên con đường Quyết Thắng.
Thị xã Đức Phổ – Quảng Ngãi, tháng 8/2020
Phạm Thùy Uyên – Cử nhân Sư phạm