NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
CCB ĐÀO THIỆN SÍNH GỬI CHÙM THƠ (TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA) LÀ LỜI TRI ÂN TỚI CÁC LIỆT SỸ VÀ ĐỒNG ĐỘI THÂN YÊU – CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN VỚI MỐI TÌNH THUỶ CHUNG SON SẮT GIỮA 3 DÂN TỘC VIỆT NAM – LÀO – CAMPUCHIA; BBT trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài V:
DẠT DÀO
Anh đi rồi…. còn em ở lại
Nẻo đường quê ấm mãi tình anh
Làn gió thoảng lay tà áo mỏng
Bến sông quê em vẫn ngóng trời Nam
Nơi ấy có anh nụ hôn em gởi
Gió bay nhanh làn gió hữu hình
Chiếc gối đôi chim đêm đêm chờ đợi
Mong sao trời chóng bình minh
Tiếng hát đâu đây tin về thắng trận
Sao em vẫn cứ run run
Đi giữa mùa xuân nghe ngàn câu hát
Lòng em khao khát tình anh
Nơi chiến trận nhận về cái chết
Đi dưới bom rền vương vương mùi khét
Xem phim thời sự em đỗi tự hào
Trên đầu anh đội mũ sáng sao
Em biết anh thương: con đường nho nhỏ
Bờ đê ngọn cỏ làn gió mùa hè
Phi lao, bạch đàn bầy chim say mê
Ríu rít xóa nhòa tiếng súng
Em biết anh thương: tình yêu trân trọng
Giữa hai miền khoảng cách chia xa
Vẫn để lại trong mơ: hoa lá mượt mà
Em giữ trọn đợi anh vè, dù muộn…
Trăng vẫn sáng đầu thôn
Lúa hai mùa mơn mởn
Đôi má đào phai nhạt với thời gian
Nhưng tình anh, em vẫn dạt dào tuôn…
Chiến trường Đông Bắc Campuchia – Tháng 02 năm 1980
Đào Thiện Sính
LỜI BÌNH (GS.Thanh Sơn)
Bài thơ “Dạt dào” của Đào Thiện Sính, người chiến sỹ tình nguyện quân Việt Nam viết tại chiến trường Đông Bắc Campuchia vào mùa xuân 1980.
Nhà thơ chiến sỹ viết nỗi nhớ dào dạt tình thương yêu của người em gái, người yêu ở phương trời xa. Sài Gòn đã được giải phóng nhưng quân Pôn Pốt – lũ diệt chủng đang lộng hành xâm chiếm, cướp phá vùng biên cương phía Tây Nam Tổ Quốc thân yêu, nên anh và đồng đội lại lên đường ra trận thời khói lửa chiến tranh. Người thương đi đã xa, “chân bước đi, đầu còn ngoảnh lại”, với bao lưu luyến vơi đầy. Cô gái người vợ trẻ vẫn đăm đăm dõi về phía chân trời xa, thương nhiều nhớ lắm, vẫn cảm thấy “Nẻo đường quê ấm mãi tình anh”. Lấy cảnh vật để ngụ tình người, để tả lòng người, đó là một câu thơ hay, tinh tế và biểu cảm. Hình bóng người thương với bao kỷ niệm đẹp vẫn ôm ấp trong tâm hồn cô gái quê, người vợ trẻ.
Tâm hồn những người vợ trẻ, những cô gái quê. Tà áo mỏng vẫn “lay” trong làn gió vì nhớ vì thương, em vẫn đứng trên bến sông quê, sớm sớm chiều, “em vẫn ngóng trời Nam”.Không có con chim nhạn đưa tin, em chỉ biết nhờ “làn gió hữu hình” gửi đến anh bao tình thương nhớ:
Làn gió thoảng lay tà áo mỏng
Bến sông quê em vẫn ngóng trời Nam.
Nơi ấy có anh nụ hôn em gởi
Gió bay nhanh làn gió hữu hình
Chiếc gối đôi chim đêm đêm chờ đợi…
Đây là những câu thơ hay, dạt dào xúc cảm. Tác giả đã lấy ngoại vật, mượn ngoại cảnh để ngụ tình. Từ làn gió, bến sông quê đến chiếc gối thêu đôi chim nhỏ – tất cả được phân hóa để cùng cố gái trẻ “ngóng trời Nam”, “đêm đêm chờ đợi”. Thơ phải có chi tiết chọn lọc và qua những chi tiết ấy, hồn thơ mới dạt dào, mới thấm sâu vào hồn người. Trong nhớ thương, ngóng trông chờ đợi, cô gái quê, người vợ trẻ vẫn mong mỏi hy vọng: “Mong sao trời chóng bình minh”. Ngày chiến thắng sẽ đến gần, ngày sum họp của đôi lứa nhất định sẽ đến, đó là điều tâm nguyện của bao người mẹ già, bao người vợ trẻ và của hàng triệu người ở hậu phương thời máu lửa, loạn lạc, chiến tranh.
Những muà xuân nói tiếp trôi qua nhanh, người ra đi chinh chiến mãi chưa về, người ở lại mong đợi nhớ thương, “Thoi đưa ngày tháng ruổi mau – Người đi thấm thoắt qua màu xuân xanh” (Chinh phụ ngâm). Tin chiến thắng từ tiền tuyến dội về, đi giữa mùa xuân “Sao em vẫn cứ run run” . Nghe tiếng hát mùa xuân, tiếng ca mừng vui thắng trận, người vợ trẻ càng “khao khát tình anh”, mong sớm được sống yên vui đoàn tụ. Xem phim thời sự, xem phóng sự chiến tranh cô gái hậu phương vô cùng xúc động trước cảnh tượng chiến trường khốc liệt, vừa lo sợ, vừa tự hào, tự hào vì người thương yêu hiện lên trong hào quang chiến thắng:
Nơi chiến trận nhận về cái chết
Đi dưới bom rền vương vương mùi khét
Xim phim thời sự em đỗi tự hào
Trên đầu anh đội mũ sáng sao.
Đây là những câu thơ rất chân thực giàu giá trị nhân bản nói về nỗi niềm lo sợ và tự hào của những người vợ trẻ ở chốn hậu phương thời loạn lạc. Xưa nay vẫn thế, khách chinh phu trong rừng tên, biển giáo, trong bom rền “nhận về cái chết”, anh dũng hy sinh, “nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây”(Chinh phụ ngâm), nhưng người chinh phụ “vẫn cứ run run”, vẫn “đổi tự hào”, tự hào hãnh diện vì “Trên đầu anh đội mũ ánh sao”. Anh đã ra tiền tuyến vì một lý tưởng cao đẹp: Chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc, vì thống nhất hòa bình của đất nước thân yêu.
Câu thơ “Trên đầu anh đội mũ sáng sao” của Đào Thiện Sính làm cho chúng ta nhớ đến vần thơ của Vũ Cao trong bài “Núi đôi” viết năm 1956, “Anh đi bộ đội – sao trên mũ / Mãi mãi là sao sáng dẫn đường / Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.
Qua đó, ta càng thấy rõ ngôi sao lý tưởng chiến đấu là hình tượng tuyệt đẹp của thời đại Hồ Chí Minh và cả trong thơ ca.
Đoạn cuối bài thơ “Dạt dào” giọng thơ ngân vang tha thiết. Điệp ngữ “em biết anh thương…”hai lần cất lên vừa thể hiện lòng anh vừa giãi bày tình em. Anh ra đi tiền tuyến vẫn mang nặng bóng hình bóng quê hương: con đường, bờ đê, ngọn cỏ, làn gió, hàng cây, tiếng hát, tiếng hát của bầy chim…. Quê hương đã ôm trọn tâm hồn anh và cho anh sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng.
Em biết anh thương: con đường nho nhỏ
Bờ đê ngọn cỏ làn gió mùa hè
Phi lao, bạch đàn bầy chim say mê
Ríu rít xóa nhòa tiếng súng.
Những chi tiết và hình ảnh rất bình dị và thân thuộc mà nên thơ, rất thơ đã nói lời thề son sắt thủy chung: “Vẫn để lại trong mơ hoa lá mượt mà/ Em giữ trọn đợi anh về dù muộn…. Câu từ ngữ “Vẫn để lại” Em giữ trọn đợi anh về như những nét khắc nét chạm vào tâm hồn người vợ trẻ bài tình ca. Hai chữ dù muộn khẳng định được ý chí, được niềm tin, đức hy sinh của em, của người con gái quê ta thời kháng chiến.
Bao mùa xuân đã trôi qua, bao năm tháng biệt ly thời khói lửa, người vợ ở chốn hậu phương đã có ít nhiều thay đổi “Đôi má đào phai nhạt với thời gian”.
Dạt dào tuôn “Tình anh vì trái tim em son sắt thủy chung/ Vì tâm hồn em sáng ngời niềm tin thắng trận. Hẹn ngày vui xum họp “Anh sẽ về”.
Những năm tháng chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ. Đọc bài thơ “Dạt dào” của Đào Thiện Sính ta được sống lại những năm tháng máu lửa điêu tàn.
Bút pháp nghệ thuật của Đào Thiện Sính được thể hiện trong “Dạt Dào” đã vượt qua lối tự sự đi sâu vào đặc tả, biểu đạt tâm trạng trữ tình, nói lên một cách chân thực, cảm động nỗi buồn cô đọng. Nỗi nhớ thương tha thiết, sự mong đợi bồi hồi, niềm tin mãnh liệt vào tình yêu son sắt thủy chung vào một ngày nai thắng trận.
Có ôn lại, đọc lại một số bài thơ kiệt tác như: “Chinh phụ ngâm”, thơ ca kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đọc thêm bài “Đợi anh về” của Xi-mô-nốp qua bản dịch thơ, ta mới thấy chất nhân văn đầy ý vị trong bài “Dạt Dào”.
“Dạt Dào” là bài thơ của người lính nói về tâm tình của người lính nên rất thực và rất thơ.
Hà Nội, ngày 08/03/2012