Mỏi mòn chờ Bằng Tổ quốc ghi công
Trên đây là yêu cầu được lãnh đạo tỉnh Nghệ An đặt ra cho ngành Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2022 trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công.
Cụ thể, theo thông tin được cung cấp tại cuộc họp báo, năm 1968, ông Lê Thái Nhiệm (SN 1946, trú tại xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An) nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. 4 năm sau, gia đình nhận được Giấy báo tử số 177, ngày 30/9/1972 của Bộ chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Nghệ An ghi rõ, hạ sỹ Lê Thái Nhiệm hi sinh anh dũng ngày 27/11/1971, tại mặt trận phía Nam, được xác nhận là liệt sỹ.
Năm 1978, người thân duy nhất của liệt sỹ Lê Thái Nhiệm là ông Lê Văn Thành bắt đầu hành trình kiến nghị thực hiện chính sách liệt sỹ đối với anh trai. Năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba đối với liệt sỹ Lê Thái Nhiệm.
Năm 2005, ông Lê Văn Thành mất, con trai ông Thành là anh Lê Văn Xuân tiếp tục thực hiện nguyện vọng đang dang dở của bố. Năm 2016, anh Xuân nhận được quyết định trợ cấp “Tiền thờ cúng liệt sỹ” từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, số tiền 2 triệu đồng.
Nguyện vọng của gia đình là được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công để đặt lên bàn thờ, bởi đến khi hi sinh, liệt sỹ Lê Thái Nhiệm không có di ảnh.
“Giấy báo tử, các giấy tờ liên quan đều thể hiện ông Lê Thái Nhiệm là liệt sỹ, thân nhân được trợ cấp tiền thờ cúng liệt sỹ. Như vậy, Nhà nước đã công nhận ông Lê Thái Nhiệm là liệt sỹ. Theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” số 02/2020/UBTVQH14, cụ thể tại Khoản 2, Điều 15 thì liệt sỹ Lê Thái Nhiệm được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công. Nguyên nhân, vướng mắc, trách nhiệm liên quan đến việc liệt sỹ hi sinh hơn 50 năm nhưng chưa được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cần phải được làm rõ” – đây là ý kiến được đưa ra.
Sẽ giải quyết sớm hồ sơ tồn đọng
Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lập tức yêu cầu đại diện Sở LĐ-TB&XH, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An trả lời cụ thể về vấn đề này.
Theo ông Bùi Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, đối với trường hợp của liệt sỹ Lê Thái Nhiệm, mặc dù theo quy định quy trình tiếp nhận hồ sơ thuộc về Bộ CHQS tỉnh nhưng đơn vị rất sát sao phối hợp giải quyết.
Sở đã có nhiều cuộc làm việc với đại diện gia đình và các cơ quan liên quan. Ngày 22/5, Sở LĐ-TB&XH có văn bản gửi các ngành chức năng để giải quyết chế độ chính sách đối với liệt sỹ Lê Thái Nhiệm.
Lý giải việc chậm giải quyết chế độ chính sách đối với liệt sỹ Lê Thái Nhiệm, ông Hưng cho rằng, trước đây, theo Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH thì trường hợp này không đủ điều kiện. Hiện hồ sơ giải quyết chế độ theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và đang được Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thực hiện theo quy trình.
Đại diện Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cũng cho biết, đơn vị nhận được hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sỹ Lê Thái Nhiệm và đã hướng dẫn kỹ. Mới đây, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BQP hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với Người có công với cách mạng theo Nghị định số 131/2021, thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2022.
“Ngày 16/10, Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn triển khai Thông tư 55. Sau khi dự tập huấn, cơ quan Bộ CHQS tỉnh sẽ hướng dẫn cụ thể để gia đình làm hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ Quốc ghi công theo đúng trình tự”, đại diện Bộ CHQS tỉnh Nghệ An thông tin.
Sau khi nghe các cơ quan liên quan báo cáo cụ thể, ông Bùi Đình Long yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan để xác định vướng mắc ở đâu, từ đó có biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho thân nhân liệt sỹ, xứng đáng với sự hi sinh của liệt sỹ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, không chỉ đối với hồ sơ liên quan đến liệt sỹ Lê Thái Nhiệm mà hiện nay trên địa bàn còn một lượng lớn hồ sơ công nhận người có công còn tồn đọng, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là vấn đề vướng mắc về hồ sơ, thủ tục.
Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, việc giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan liên quan mà còn là sự tri ân của thế hệ sau đối với sự hi sinh của các liệt sỹ cũng như trách nhiệm đối với thân nhân của họ.