NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TẤM BẰNG KHEN
Năm 1968-1969, tôi công tác ở Tổng cục tiền phương (Đoàn 500) được dân cho đào hầm tại vườn nhà Bọ Phác đó là Xóm 1, Hương Dô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Tôi thường trực đài 15 W về ban đêm. Ban ngày được nghỉ. Các em học sinh lớp 1 đến lớp 4 nhờ tôi phụ đạo các môn Toán, Văn, Sử, Địa. Sau 10 tháng ở đây đã phụ đạo cho hơn 20 em.
Tháng 04 đến tháng 07 năm 1970, trên đường hành quân ra tiền tuyến, tiểu đội tôi có đồng chí Sầm Văn Dần (dân tộc Mường) không biết chữ. Tôi đã dạy đồng chí trong những bước đường hành quân gian khổ. Do tiếp thu nhanh nên đồng chí đã biết đọc, biết viết những câu đơn giản và làm toán được 3 chữ số.
Đến Thị xã Karatê (Cần Ché Campuchia), từ 31/07 trong khi chờ đơn vị đến đón người trưởng ban Việt Kiều tại đây đã gợi ý để tôi mở lớp học cho những người Việt không biết chữ ở xóm nghèo này, người lớn, trẻ em có tới 30 người cùng tham gia học, được nhà sư cho mượn sảnh của chùa để mở lớp, lớp học ngày càng đông vui. Thường là buổi sáng tôi dậy rất sớm đi tập thể dục trên bờ sông Mêkong. Vào 5h30, ngày 01/10/1970, tôi gặp đồng chí Cường, đồng chí Bản cùng đơn vị mừng quá tôi chạy về báo cho trưởng ban Việt kiều để từ biệt lớp học. 17h30 cùng ngày hầu hết các học viên của tôi ra bến cano đưa tiễn, nhìn nét mặt họ buồn buồn nuối tiếc lòng tôi rạo rực theo (chỉ hơn 2 tháng tình thầy trò ấm áp mến thương).
Biết tôi có chút tiếng Khơ me, nên đồng chí Dược Trung đội trưởng B4C1 cử tôi cùng đồng chí Tín xuống PờRéchXănKe (Bưng Dồn) để tiếp nhận cá trong thời gian 4 tháng, tôi cũng mở lớp học dạy tiếng việt cho bà con Việt kiều ở đây.
Khi về B28 (khu vực Bầu Sốp) tôi dạy chữ Việt cho 10 đồng chí Việt Kiều cùng đơn vị và truyền tải những địa danh lịch sử, cảnh đẹp của Việt Nam.
Khi nhận bằng khen trong hội nghị chuyên đề về công tác bổ túc văn hóa (người lính đeo quân hàm xanh) tôi đã sáng tác bài thơ:
CHIẾC ÁO MÀU RÊU
Em là cô gái Việt Miên1
Hết giờ về nghỉ nhưng em chờ thầy
Nhìn em má đỏ hây hây
Tóc đen, răng nõn, em bày tỏ…đi
Em cần hỏi, hỏi phần gì?
Giúp cho học tập thầy nghe, giảng liền
Thưa…thưa đôi mắt ngước lên!
Đôi môi khe…khẽ, em quên mất rồi
Nhìn em tôi chẳng dám cười
Nếu không hỏi nữa thì thôi, ta về.
Ngày mai, ngày mốt, ngày kia
Võng tôi có một phong bì ai trao
Quà là chiếc áo màu rêu
Tặng thầy để có sớm chiều thay nhau.
Đêm nay tôi đã gối đầu
Giữa rừng sâu2 cái áo màu dung đưa.
Mùa mưa 1971 tại lớp học BTVH ở B28
Bàu Sốp – Tỉnh Ca chi e – Campuchia
Đào Thiện Sính
Ghi chú:
(1) Cô học sinh bố Việt, mẹ Miên
(2) Rừng Bàu Sốp tỉnh Ca chi e – Campuchia
– Về sau này cứ đến đi đâu tôi lại tiếp tục dạy học với chương trình bổ túc văn hóa.
NGOẠI TRUYỆN
Gần 04 tháng tôi ở nhà Cẩm Lênh cùng với đồng chí Tín phơi cá và làm mắm cá cho đơn vị. Cẩm Lênh cô con gái của ông bà chủ nhà mang hai dòng máu Việt – Miên, Cẩm Lênh thường dạy tiếng Khơ Me cho tôi, còn tôi dạy chữ Việt cho Cẩm Lênh. 17 tuổi cô gái mộng mơ nước da đen giòn, tóc hơi quăn nhưng khuôn người cân đối, đẹp nhất là hàm rang trắng và nụ cười má núm đồng tiền, Cẩm Lênh thường hỏi tôi về quê hương Việt Nam và hỏi rằng khi nào anh Sính về đơn vị luôn.
“Bí mật quân sự không biết trước đâu”, tôi trả lời thế.
Một hôm đồng chí Tín ra sông tập bơi thuyền còn tôi loay hoay phân các loại cá khô chợt Cẩm Lênh về.
– Anh Sính có biết chạy xe máy không.
– Tôi chưa biết
Thế là Cẩm Lênh đưa xe ra bảo tôi ngồi sau để hướng dẫn cách chạy xe.
Tôi ngần ngại.
Cẩm Lênh kéo tôi bắt lên ngồi sau xe, tôi sợ quá nhưng cô gái giận giữ và nói ôm chặt vào vì đường xấu lắm đấy. Thế là cô phóng xe như bay. Đi xa khoản 10 km, khu vực này dân ở thưa thớt nhưng cây xanh tỏa mát. Dừng xe Cẩm Lênh bảo tôi ngồi chờ và lát sau cô mang ra 2 trái dừa và một tàu lá dừa bảo rằng uống nước xong rồi về. Cẩm Lênh ngồi sát vào tôi. Ồ! Anh chặt dừa như thế không phải? – xem đây chặt như thế này. Uống nước xong Cẩm Lênh ôm chầm lấy tôi, hai tay rắn chắc giọng thổn thển mắt nhắm, anh yêu em đi…..
Tôi gỡ mãi Cẩm Lênh mới chịu buông tay, thế là tôi chạy bộ khoản 1 km, Cẩm Lênh lao xe tới yêu cầu tôi lên xe và bảo tôi ngồi phía trước để cô dạy tập xe.
Tôi nói đơn vị không có xe nên tôi không tập nữa.
Tôi vừa sợ lại vừa thương cô gái đang dậy thì lòng tôi cũng trào dâng một cảm xúc lâng lâng khó tả nhưng tôi đã tự kìm chế được bởi vì trong đầu tôi lúc nào cũng thuộc 12 điều kỷ luật và 10 lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam.
Đêm về tôi thao thức, Cẩm Lênh yêu mình thật bởi qua nhiều ngày những cử chỉ, những tiếng nói, nụ cười tỏ ra rất thân thiện, yêu thương.
Độ 4 ngày tôi và Tín được đơn vị đón về kết thúc mùa thu hoạch cá. Trước lúc chia tay gia đình, Cẩm Lênh gọi tôi ra nói nhỏ: Em yêu anh mà anh không thích sao?. Em sẽ trả thù….
2 năm sau có dịp qua Bưng Dồn tôi ghé vào thăm gia đình, Cẩm Lênh đã có một con, cả nhà vui lắm. Cẩm Lênh nói rằng: Không ngờ lại gặp anh Sính ở đây.
Tôi hỏi đùa vậy Cẩm Lênh trả thù tôi như thế nào?
Cẩm Lênh bế đứa bé gái trao cho tôi: Đây! đây là sự trả thù. Vì yêu anh không được nên khi anh đi 2 tháng, tôi đã đi bắt chồng phòng khi gặp anh thì anh đã muộn bởi vì em sẽ mãi mãi không phải là vợ anh.
– Vậy cháu bé tên gì?
– Đao Sinh
– Sao giống tên tôi thế?
– Đặt tên giống anh vì mẹ cháu muốn nhắc lại kỷ niệm về anh đó thôi.
Thế là vợ chồng Cẩm Lênh và gia đình cùng cười. Và lòng tôi cũng thấy vui vui.
Bưng Dồn, đêm 30 tết năm 1972 – ĐTS