“Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”
Bài thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu ra đời năm 1948 đã đi vào trang sách học trò và trở thành món ăn tinh thần của những vệ quốc quân thời chống Pháp. Đến thế hệ chúng tôi “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn là lời lẽ sưởi ấm hàng triệu trái tim thanh niên đi ra mặt trận, lời thơ thổn thức nghẹn ngào nhưng đầy khí tiết của những người con xa mẹ, nhớ về mẹ để ta yêu thương và không từ ngữ nào diễn tả hết về bầu sữa của mẹ chắt chiu nuôi ta khôn lớn.
“Bầm ơi sớm sớm chiều chiều
Thương con Bầm chớ lo nhiều Bầm nghe”
Không lo sao được đứa con yêu thương do mẹ sinh ra nhưng mẹ cũng hiểu nỗi lòng của con dành cho mẹ.
“Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra”
Thật vậy cuộc đời lính chiến của tôi đã đi tới 13 năm muôn nẻo dặm đường đã được các bà mẹ yêu thương giúp đỡ, ân tình ấy với tôi không thể nào quên. Nay giới thiệu một phần rất nhỏ trong tình thương yêu của những người mẹ ở khắp các vùng miền mà tôi đã nhận.
- Ngày đầu nhập ngũ đóng quân tại thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương , tôi và Trịnh Văn Truyền ở chung một nhà có người mẹ tóc bạc đã dành cho anh em tôi cái giường dù chỉ hơn một tuần. Chúng tôi ra đi mẹ nói, mong sao chiến thắng các con về. Hơn tám năm sau khi đất nước thống nhất tôi mới có dịp về thăm mẹ nhưng mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng.
- Khi tôi học nghiệp vụ thông tin tại xã Quỳnh Sơn huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang được ở bốn nhà: Nhà bà mẹ Trương, mẹ Thú, mẹ Nhĩ và nhà chị Đào Thị Nhỡ. Cả bốn gia đình đều có chồng con đi bộ đội, các mẹ thường dành cho chúng tôi những củ khoai lang buổi sớm và lúc đi gác đêm về. Ăn khoai với muối ớt mà sao ngon thế. Những người con gái của các mẹ đi ngủ tập trung nhường giường cho chúng tôi. Xóm Đìa nơi ấy kỷ niệm là bài thơ “Giá Mà” và sau 52 năm quay trở lại các mẹ đều không còn. Kính thương các mẹ tôi viết bài thơ “Trở lại Quỳnh Sơn” đã vào tập san Đồng Ngũ. Khi biết bốn gia đình đều hiến dâng chồng con cho đất nước tôi viết bài thơ “Tâm sự người vợ lính” cũng là cách tri ân tới các mẹ, các chị của quê hương.
- Trên đường tiến quân ra chiến trường đi qua các tỉnh khu IV được mệnh danh là “cung đường lửa”, chúng tôi đến các trạm dừng chân ở nhà dân, bom đạn là thế nhưng quân dân như cá với nước, cuộc sống lạc quan. Tối đến các mẹ lại dành tiếng hát câu hò giao lưu cùng bộ đội.
- Khi đến xã Hương Đô, Hương Khê Hà Tĩnh tiểu đội thông tin 15W của tôi được dân cho đào hầm ngay tại vườn nhà để làm việc, mười tháng ở đấy ngày nào cũng được ăn sắn luộc, khoai và bí đỏ rồi những bát nước chè xanh. Tôi nhớ nhất mẹ Phác, mẹ Mị và hai cô gái tên là Lương và Hóa. Bài thơ “Gặp lại tuổi hai mươi’ ra đời sau chuyến về thăm Hương Khê.
5.Thêm một kỷ niệm khó quên khi đến trạm giao liên T32 trên đỉnh cao nguyên Bô Lô Ven (Lào) được dừng lại để chờ lệnh hàng ngày sau giờ thay nhau lên máy tôi thường ra chợ tự phát (chợ tự phát chỉ là trao đổi không dùng tiền) giữa bộ đội và đồng bào dân tộc Lào, sản vật của họ là rau củ quả gà vịt ra đổi lấy quần áo thuốc sốt rét…..Đồng bào đứng hai bên đường còn bộ đội hành quân đi qua chào hỏi nhau rất tình cảm. Bốn buổi sáng trôi qua tôi nhìn thấy một người phụ nữ khoảng 50 tuổi và cô gái 15-16 tuổi ngồi cạnh con gà. Đến sáng thứ 5 tôi hỏi bà và cô gái đều giỏi tiếng việt: Vậy gà đổi lấy gì? Hai mẹ con cùng trả lời lấy cái áo ngực. Tập tục của đồng bào thích gì đổi đấy cái khác không cần. Tôi hỏi đồng chí giao liên: “Ở đây có đơn vị nữ nào gần”. Có trạm xá T32 cách khoảng 5km. Đồng chí giao liên nhiệt tình dẫn đường. Rất may tôi đã gặp chị em. Sáng hôm sau tôi ra chợ hai mẹ con bà già ấy mang tới 3 con gà, em bé nhận áo còn mẹ đưa gà. Tôi nói bộ đội cần rau củ quả và hẹn sáng hôm sau tôi đã nhận tới 2 gùi nào bí xanh, bí đỏ. Bà mẹ phấn khởi kể rằng con bé thích lắm đêm nó không ngủ cứ cởi ra mặc vào tủm tỉm cười. Khi trời gần sáng nó giục tôi mang tặng các anh các thứ này.
- H19O3N2 đóng quân ở Ô Cà Mon tỉnh Ca Chi Ê cách sông Mê Kong (Bờ Rếch Xăng Ke). Tôi được phân công cùng với đồng chí Tín đến đó để tiếp nhận cá của dân cho được gia đình bà Cẩm Lênh gốc Khơ Me giúp đỡ, bà và cô gái dạy chúng tôi tiếng Khơ Me, cách nướng cá, ép cá, phơi cá. Ngoài công việc chính được giao tôi và Tín đã hoàn thành xuất sắc còn thi đua nhau học tiếng của bạn. Bốn tháng trôi qua đơn vị chuyển quân tôi và Tín xa gia đình lúc chia tay bà khóc, tôi hứa với bà nếu còn sống sẽ có ngày gặp lại.
- Khi tôi về B28 cụm thông tin do đồng chí Phạm Danh phụ trách. Đơn vị ở trong rừng sâu cách bờ sông Mê Kong đoạn Phun Keng tỉnh Kong Pong Chàm khoảng 9 km. Do biết tiếng Khơ Me và kinh nghiệm ngoại giao nên tôi lại được tung ra bám dân làm công tác hậu cần cho đơn vị. Từ trái đu đủ, mớ rau, con cá, con gà, con chó dân cho hoặc mua rẻ đều mang tới nhà thím Ba. Chỉ biết bà là người Việt lấy chồng người Hoa. Bà đã tận tình đi quyên góp cũng như đi mua giúp đơn vị. Đây là cơ sở của ta những năm tháng mà tôi được sống cùng bà. Quê bà ở Bình Lục, Hà Nam, nỗi niềm của bà là chưa được trở lại quê hương. Cuộc sống của Việt kiều ở đây vô cùng vất vả. Hầu hết người dân đều không biết chữ
- Tôi rời mảnh đất thị xã S.Tung Cheng Tỉnh S.Tung Cheng CPC tháng 7/1970 tưởng không bao giờ gặp lại nào ngờ 9 năm sau tôi lại có mặt ở đó. Bài thơ “Trở lại S.Tung Treng” ghi lại dấu ấn về tình đất tình người ở ngã ba nơi hai con sông Xê Kong và Mê Kong hội tụ. Câu chuyện về chị Keo Lay, câu chuyện về bà mẹ Cốt Xa Ri và vợ chồng ông Khăm Phàn đã giúp đỡ tôi và đơn vị 5 năm trên mảnh đất được mệnh danh là thủ phủ Đông Bắc Campuchia.
Hàng triệu chiến sỹ vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở mặt trận phía Nam cũng giống như tôi đã được các bà, các má giúp đỡ. Nếu như bây giờ các anh còn sống mỗi người chỉ một hai câu chuyện kể về những người mẹ Việt Nam, Lào, Campuchia giàu lòng nhân ái, chở che, chăm sóc tận tình nó sẽ trở thành một kho tàng văn học đẹp như mơ hay như thơ giành tặng cho hôm nay và mai sau. Xin chân thành cảm ơn Tố Hữu “nhà thơ cách mạng” .
“Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra
Cho cho nào áo, nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi…”
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
Tp.Cao Lãnh, 04/2018 – Đào Thiện Sính