Cụ Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác (1724-1791) là một đại danh y – nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ lớn, nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần phát triẻn nề Đông y Việt Nam…
Năm 2023, Đại hội đồng UNESCO đã vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là danh nhân văn hoá Thế giới. Đây là niềm vinh dự lớn lao của dân tộc Việt Nam nói chung và của các thầy thuốc Việt Nam nói riêng. Năm 2024 còn là năm kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông.
Phố nghề Đông y tại Thủ Đô:
Tại quận Hoàn kiếm TP Hà Nội, về hướng Tây – Bắc so với Tháp Rùa và Hồ Gươm của Thủ Đô là một trong 36 phố cổ của Hà Thành xưa, đó là một con phố mang tên đại danh y với hai từ “Lãn Ông”.
Phố Lãn Ông có chiều dài khoảng 180 m ngay trung tâm phố cổ. Cùng trục đường là phố Hàng Buồm và Hàng Vải. Một đầu giao cắt với phố Hàng Đường, một đầu giao cắt với phố Thuốc Bắc . Đây là con phố thơm nồng hương thuốc quý, hàng ngày vẫn nhộn nhịp người qua.
Ảnh: Phố Lãn Ông được coi là trung tâm kinh doanh thuốc Đông – Nam dược và cả thuốc Bắc cung cấp dược liệu cho Hà Nội và các tình lân cận và là con phố có nhiều lương y đã hành nghề tại đây.
Ảnh : Tại số nhà 52 Lãn Ông còn di tích của một thương hiệu gia truyền của dòng họ Phạm có gốc gác tại Cầu Bây, Gia Lâm, Hà Nội : “thuốc tê thấp Cầu Bây.
Ảnh: Trên con phố này còn có Hội quán Phúc Kiến là một di sản văn hoá lịch sử quốc gia đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận (TG).
Ảnh: Sáng ngày 20/4/2024, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm – gắn với phố nghề Lãn Ông” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội kết hợp với Hội Đông y quận Hoàn Kiếm tổ chức. (BQL hồ Hoàn Kiếm và phố cỏ Hà Nội)
Ảnh: Tới dự có TTND GS Đậu Xuân Cảnh Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, đại diện Hội Đông y TP Hà Nội cùng nhiều nhà khoa học và đại diện Cục Quản lý Y dược học cổ truyền Bộ Y tế, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ và nhân dân tuyến phố Lãn Ông. (BQL hồ Hoàn Kiếm và phố cỏ Hà Nội)
Ảnh: Hình ảnh phục dựng: Bốc thuốc của các lương y ngày trước tại Toạ đàm Phát triển nghè đông y găn với phát triển phố nghề Lãn Ông (TG)
Ảnh: Đại diện Đảng ủy và UBND phường Hàng Bồ cùng Hội Đông y quận Hoàn Kiếm, Bà con phố Lãn Ông dâng lễ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tại Y miếu Thăng Long năm 2023.
Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hưng Yên đã có con đường mang tên “Hải Thượng Lãn Ông”
Ảnh: Đường Hải Thượng Lãn Ông tại quận 5 TP Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh doanh dược phẩm Đông y và các Phòng chẩn trị YHCT (sưu tầm Internet)
Đây là con đường lớn, có lịch sử lâu đời tại khu vực Chợ Lớn, dọc hai bên đường hiện nay vẫn nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ cùng với nét sinh hoạt truyền thống của cộng đồng người Hoa. Tháng 7 năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã công nhận khu Hải Thượng Lãn Ông là khu phố cổ nhất của thành phố. Đi qua con đường này có nhiều cửa hàng cửa hiệu có tên song ngữ Việt – Hoa. Nói đến con đường này là người dân Thành phố nghĩ đến ngay là một trung tâm Đông y của TP Hồ Chí Minh với san sát các cửa hàng kinh doanh thuốc YHCT và các phòng chẩn trị YHCT của các lương y.
Ảnh: Đường Hải Thượng Lãn Ông tại TP Hưng Yên (TG)
Phần kết: Nên đổi tên phố Lãn Ông thành Hải thượng Lãn Ông và tâm nguyện của nhân dân phố Lãn Ông
Thường vụ Quận uỷ quận Hoàn Kiếm đã quan tâm chỉ đạo phát triển phố nghề Lãn Ông gắn với phát triển tuyến phố du lịch Lãn Ông. Năm 2014- 2015, Quận uỷ, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức dự án chỉnh trang mặt phố Lãn Ông tạo được sự thống nhất và vể đẹp cho con phố này, góp phần bảo tồn di sản văn hoá Đông y và phát triển tuyến phố du lịch tại Lãn Ông.
Chủ trương xây dựng, phát triển Hội Đông y, nghề Đông y và phố nghề Lãn Ông gắn với bảo vệ di sản văn hoá Đông y và phát triển du lịch trên địa bàn Hà Nội là một chủ trương đúng đắn của Quận uỷ – UBND quận Hoàn Kiếm, góp phần thực hiện chỉ thị 24/ CT -TW ngày 07 tháng 04 năm 2008 của Ban Bí thư về tiếp tục xây dựng nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới và góp phần xây dựng Thủ Đô Hà Nội Văn hoá – Văn minh … được nhiều bà con phố Lãn Ông và nhiều nhà khoa học ủng hộ.
Phố nghề Lãn Ông là một nét đẹp văn hóa lâu đời của Thủ đô Hà Nội. Tuyến phố có gần 60 hộ kinh doanh Đông Nam dược và khám chữa bệnh Đông y, trong đó có những hộ gia đình “cha truyền con nối” duy trì nghề truyền thống được hàng trăm năm. Tuy nhiên phố nghề đang đứng trước nguy cơ mai một với nhiều khó khăn, thách thức. Việc phát triển phố nghề Lãn Ông gắn với xây dựng tuyến phố du lịch cũng còn là một thách thức, cần định hướng tốt để phát triển, để bứt phá và phát triển một phố nghề Đông y truyền thống vinh dự mang tên đại danh y đất Việt Hải Thượng Lãn Ông.
Để gắn với sự phát triển văn hoá hiện tại của Hà Nội ngàn năm văn hiến, nên chăng cần đổi lại tên phố là “Hải Thượng Lãn Ông”. Việc này không chỉ là một bước đi để tôn vinh một con người vĩ đại của dân tộc một Danh nhân Văn hóa Thế giới mà còn là sự thể hiện của lòng tự hào, tri ân, tôn kính tiền nhân (ghi tên đầy đủ), giữ gìn, quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam góp phần phát triển kinh tế nhất là kinh tế du lịch …./.