Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (thứ 5 từ trái sang) cùng các hội viên viếng mộ liệt sĩ |
Hoàng Xá là xã miền núi huyện Thanh Thủy, nơi có tới gần 100% đồng bào công giáo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, Hoàng Xá đã tiễn đưa hơn 400 thanh niên lên đường nhập ngũ và đi thanh niên xung phong, trong đó 38 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh.
“Trước khi vào chiến trường, anh tôi (liệt sĩ Nguyễn Xung Kích) được về phép thăm nhà 15 ngày. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp anh trước khi hy sinh. Năm 1976, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Lời cuối cùng của mẹ tôi trước lúc đi xa là các con hãy cố gắng, bằng mọi cách phải tìm được hài cốt của anh đưa về…”- ông Nguyễn Văn Du, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân.
Nhiều năm không có tin tức gì về anh trai, lại nóng lòng muốn thực hiện di nguyện của mẹ cha là phải đưa được hài cốt của anh về quê cha đất tổ, năm 2003, ông Du cùng người em trai tìm đến một nhà ngoại cảm nhờ giúp đỡ.
“Ông ấy quả quyết rằng, anh tôi hy sinh ở căn cứ Đồng Dù, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và được chôn trong một hố bom tại trận địa. Tin tưởng nhà ngoại cảm, cả gia đình tôi gồm 12 người thuê xe, sắm sửa lễ vật, hành quân gần 2.000 km vào Củ Chi. Nhưng khi đào hố bom mà nhà ngoại cảm chỉ dẫn thì không có hài cốt, chúng tôi đành bốc một ít đất mang về… ”- ông Du kể.
Sau lần đi tìm mộ liệt sĩ theo mách bảo của nhà ngoại cảm nhưng không thành, câu hỏi mộ anh trai nằm ở đâu vẫn canh cánh trong lòng những người trong gia đình ông Du.
Tháng 11/2022, chị Diệp Thu, cháu họ của liệt sĩ Nguyễn Xung Kích tìm thấy ảnh bia mộ của bác mình, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, được thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ chụp ảnh và đăng trên website www.nguoiduado.vn, tuy nhiên, trên bia mộ còn thiếu và sai thông tin.
Gia đình đã nhờ Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thanh Thủy giúp đỡ, xác minh thông tin, xác nhận của cơ quan chức năng làm căn cứ để xác định mộ liệt sĩ Nguyễn Xung Kích tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hóc Môn.
Sau khi có đủ căn cứ xác minh, chi hội đã hỗ trợ gia đình làm thủ tục đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đính chính thông tin liệt sĩ, đồng thời hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà.
Đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam bàn giao hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xung Kích cho chính quyền địa phương và thân nhân |
Ngày 18/3/2023, UBND xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ trang trọng tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xung Kích tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoàng Xá sau gần 50 năm anh hy sinh.
Với mong muốn tạo một kênh thông tin hỗ trợ thân nhân liệt sĩ mọi miền đất nước có thể tìm được mộ người thân, từ năm 2012, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ ở thị trấn Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã lập website nguoiduado.vn (Người đưa đò), đăng tải hàng nghìn ảnh bia mộ và thông tin mộ liệt sĩ được thu thập tại các nghĩa trang liệt sĩ, đồng thời, ông lập trang Facebook cá nhân để thân nhân liệt sĩ thuận tiện truy cập, tìm kiếm và trao đổi thông tin.
Ông cũng sẵn sàng đồng hành cùng thân nhân liệt sĩ đến nơi liệt sĩ an nghỉ, giúp đỡ thân nhân làm thủ tục cần thiết, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ phương tiện, kinh phí để đưa đón hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà. Trong hơn 10 năm qua, ông đã đến hơn 1.000 nghĩa trang liệt sĩ, chụp hơn 800.000 ảnh bia mộ, giúp hơn 10.000 gia đình tìm thấy mộ liệt sĩ.
Nhiều năm lặn lội đi tìm mộ anh trai (liệt sĩ Lê Hồng Khôi), bà Lê Thị Tâm thấu hiểu những gian nan và nỗi lòng mong mỏi tìm mộ người thân của các gia đình liệt sĩ. Vì vậy, trong hành trình ấy, cùng với việc tìm kiếm thông tin người thân, đến nghĩa trang nào, bà Tâm cũng chụp ảnh mộ, ghi chép thông tin liệt sĩ vào cuốn sổ tay, hy vọng có thể cung cấp cho nhiều gia đình liệt sĩ.
Năm 2010, bà Tâm kết nối với đội cựu chiến binh tình nguyện tỉnh Bình Phước, rồi thành lập đội tình nguyện Phú Thọ-Bình Phước để thực hiện việc hỗ trợ tìm kiếm thông tin các liệt sĩ tỉnh Phú Thọ được quy tập, an táng tại địa bàn tỉnh Bình Phước. Chuyến đi đầu tiên của đội tình nguyện kéo dài ròng rã mấy tháng, nhiều lần vượt suối, băng rừng, kết quả tìm được 8 hài cốt liệt sĩ.
Các cựu chiến binh đưa thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ liệt sĩ tại huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình |
Năm 2017, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thanh Thủy được thành lập mà hạt nhân là đội cựu chiến binh tình nguyện với mục đích hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; hỗ trợ, giúp đỡ các thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà.
Chị Ngô Thị Nhung ở khu 10, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, là con dâu của liệt sĩ Nguyễn Tiến Vượng kể, chồng chị- anh Nguyễn Văn Lịch là con trai duy nhất của liệt sĩ Vượng đã nhiều năm tìm mộ cha mình nhưng không có kết quả. Năm 1997, cựu chiến binh Nguyễn Đức Đào, người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Nguyễn Tiến Vượng cho biết, nơi hy sinh và an táng ban đầu của liệt sĩ là Hóc Môn-Gia Định.
Từ thông tin này, gia đình chị Nhung đã vào Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại nghĩa trang này có hai ngôi mộ mang tên Vượng.
“Gia đình đã xin lấy mẫu giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, nhưng sau đó Cục Người có công trả lời mẫu xấu, không thu được kết quả”- chị Nhung nhớ lại. Đầu năm 2022, chị Nhung tìm đến Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Phú Thọ, Chi Hội trợ gia đình liệt sĩ huyện Thanh Thủy nhờ tư vấn, hỗ trợ, di chuyển hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tiến Vượng.
Bà Lê Thị Tâm, người trực tiếp hỗ trợ gia đình liệt sĩ chia sẻ: Theo xác nhận của cựu chiến binh Nguyễn Đức Đào thì khi chôn cất liệt sĩ Vượng, ông có dùng một hộp tiếp đạn AK để gối đầu và đánh dấu mộ liệt sĩ Vượng bằng một mảnh tôn đục lỗ họ, tên, ngày, tháng, năm hy sinh. Khi tiến hành khai quật mộ, các di vật đều còn đúng như lời ông kể, trong đó viên đạn do địch bắn vẫn còn nguyên trong sọ não của liệt sĩ. Trong hai ngôi mộ có tên là Vượng thì có một ngôi mộ mang tên Chín Vượng mới được chuyển về và từ trước đến nay chưa có ai đến nhận.
“Từ những căn cứ trên, chúng tôi đã đề nghị hai Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ và Thành phố Hồ Chí Minh; Phòng Chính sách Quân khu 7 cùng phối hợp xác minh danh tính liệt sĩ Nguyễn Tiến Vượng bằng thực chứng, đồng thời đính chính thông tin trên mộ liệt sĩ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, tháng 4/2022, chúng tôi đã cùng gia đình vào Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tiến Vượng về quê nhà”- bà Tâm cho biết.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam nhấn mạnh: “Kết quả ấy là những nỗ lực thầm lặng của các hội viên không ngại gian khổ, không tiếc thời gian, bỏ tiền, bỏ công sức, chỉ mong đáp ứng được những gì các gia đình liệt sĩ cần. Qua đó, khẳng định công tác tìm kiếm, đưa đón hài cốt liệt sĩ trở về với quê hương, với người thân là một việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình nghĩa cao cả, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”.
Hiện nay, huyện Thanh Thủy vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, hoặc có mộ trong các nghĩa trang liệt sĩ nhưng không có thông tin, hoặc sai và thiếu thông tin. Thân nhân các liệt sĩ luôn mong mỏi tìm được hài cốt người thân đưa về quê hương yên nghỉ. “Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thanh Thủy chỉ mong sớm nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chức năng trong hoạt động của mình. Sự đồng hành này sẽ là động lực giúp chúng tôi an tâm và hoàn thành trách nhiệm tri ân các gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng”- bà Lê Thị Tâm bày tỏ nguyện vọng.
Hỗ trợ thân nhân liệt sĩ chuyến xe đón hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 về quê nhà |
Hơn 10 năm thực hiện hành trình tri ân liệt sĩ, các cựu chiến binh tình nguyện của Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Thanh Thủy đã đến hơn 600 nghĩa trang liệt sĩ để thu thập thông tin và chụp ảnh bia mộ liệt sĩ, rà soát thông tin gần 3.000 liệt sĩ của tỉnh Phú Thọ, tìm kiếm thông tin hơn 200 liệt sĩ huyện Thanh Thủy để báo tin cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ. Chi hội đã tư vấn, hướng dẫn hàng trăm gia đình liệt sĩ về thông tin, thủ tục liên quan đến liệt sĩ, mộ liệt sĩ, hỗ trợ kinh phí đưa 60 hài cốt liệt sĩ trở về yên nghỉ tại quê nhà, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa trao tặng mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng về các giải pháp thực hiện chính sách về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.