Trong thế giới quan của người thi sĩ, “ánh trăng” không chỉ là một thứ ánh sáng lặng lẽ trong đêm mà còn là “ánh vàng” của cuộc đời, là tâm tư, cõi lòng của người nghệ sĩ.
Tự xa xưa, hình ảnh “ánh trăng” đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận với người nghệ sĩ ở thế giới văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Sẽ chẳng ngoa khi khẳng định trăng chính là “nàng thơ”, là bạn tình của người “phu chữ” từ xưa đến nay. Đó là mối tình tinh tế và lãng mạn mà ông Tơ đã dành cho họ.
Trong thế giới quan của người thi sĩ, “ánh trăng” không chỉ là một thứ ánh sáng lặng lẽ trong đêm mà còn là “ánh vàng” của cuộc đời, là tâm tư, cõi lòng của người nghệ sĩ. Hình ảnh trăng lúc vẹn tròn, khi khiếm khuyết, nhưng lại vừa vặn để trở thành một nốt ngân đầy vang vọng trên hành trình bộc lộ cảm xúc của “khách thơ”, đồng thời xoáy sâu vào tâm hồn độc giả sự lắng đọng của những thanh âm đồng điệu.
Thuở sơ khai, thiên nhiên và loài người đã có mối tương quan mãnh liệt, là sự tồn tại song song và không thể tách rời “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Ở mỗi giai đoạn của xã hội, “nàng thơ” ấy lại có những cách xuất hiện khác nhau trong từng con chữ của người thi nhân. Nếu thời cổ đại, hình ảnh của trăng xinh đẹp và quyền lực như một “nữ thần Mặt Trăng” hay trên dòng chảy của văn học dân gian như ca dao, dân ca,…, trăng lại xuất hiện như một hình tượng vĩnh cửu, bất biến giữa vòng xoáy vô tận của cuộc đời:
“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
Trăng bao nhiêu tuổi trăng tròn
Núi bao nhiêu tuổi vẫn còn trơ trơ”
(Ca dao)
Mặt khác, khi đến với văn học trung đại, dù mang trong mình muôn hình vạn trạng: lúc khuyết khi đầy, lúc hạnh phúc khi bi ai, nhưng nhìn chung, ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh ánh trăng xuất hiện cùng hình ảnh của người phụ nữ thưởng trăng, vọng nguyệt trong đêm đen, qua đó in đậm vào lòng độc giả những dư âm khó phai nhạt cùng nhiều tầng bậc cảm xúc. Đó là sự chia ly tràn đầy bịn rịn, luyến tiếc của Thuý Kiều và Thúc Sinh: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.
Lúc bấy giờ, Trăng không là một luồng sáng đẹp đẽ, nhiệm màu mà khoác lên mình một nét sầu thiên thu, nét đượm buồn của nỗi niềm thương nhớ, đợi chờ của nàng Kiều, trở thành một phần của tâm tư, tình cảm của Thuý Kiều đồng thời cũng chính là nỗi lòng của Nguyễn Du. Trăng hoà vào cảm xúc, đôi khi chính thứ ánh sáng ấy tác động lên cảm xúc của nhà thơ. Trăng trong xã hội cũ có lẽ chẳng lúc nào tròn đầy như đang xót thương cho thân phận nổi trôi của người con gái đương thời: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” (Hồ Xuân Hương).
Nguồn: John Ruddock trên Unsplash
Nàng Trăng dưới ngòi bút của những người thi nhân lúc bấy giờ không lúc nào thôi buồn rười rượi. Đó chính là những cuộc đời vẫn còn dang dở, vẫn khát khao tình yêu, mưu cầu hạnh phúc nhưng bất thành, là những xúc cảm nhớ thương da diết, chờ đợi mỏi mòn của người cung nữ, chinh phụ xa người mình thương, trong đêm đen vọng nguyệt để rồi từng sợi thần kinh rung lên thứ khao khát ái ân vợ chồng, yêu đương nồng thắm: “Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm / Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông / Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng” (Chinh phụ ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch).
Xuôi theo dòng chảy của thời gian đến những năm đất nước ta oằn mình trong mưa bom bão đạn để tìm lại tự do cho dân tộc. Lúc này trăng lại trở thành một người bạn đồng hành, tượng trưng cho những mơ mộng về tương lai rực rỡ với ánh nắng hoà bình, với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới dưới trời quang của những người chiến sĩ. Có thể nói ánh trăng lúc bấy giờ chính là hình ảnh người lính hiên ngang, là tình cảm đồng chí khăng khít của biết bao thanh niên trên “đất nước trẻ yên tĩnh” này: “đầu súng trăng treo” (Chính Hữu). Không chỉ vậy, trăng còn là “nhân chứng” cho bao đêm dài chỉ biết bất lực vọng nguyệt của người hùng thời chiến trên hành trình cứu nước:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
(Hồ Chí Minh)
Không chỉ người lính mà những nhà nghệ thuật, thi nhân cũng bị tác động mạnh mẽ giữa sự giao thoa văn hoá của phương Đông – Tây, như Hoài Thanh từng bày tỏ: Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới”. Giới thơ ca Việt Nam đón nhận một làn sóng thay đổi mãnh liệt khi hàng loạt những hồn thơ mới ra đời, tạo nên “phong trào thơ mới”. Ánh trăng dưới lăng kính của những con người ấy chính là hình ảnh độc đáo, mới lạ và phá cách hơn bao giờ hết. Đó là sự chán chường trần thế của Tản Đà tỉ tê, tâm sự với ánh trăng:
“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi”
Có lẽ sẽ chẳng ngoa khi khẳng định trăng chính là tri âm tri kỉ của Hàn Mặc Tử khi trong 106 bài thơ tôi được biết thì có đến 62 bài thơ tả về trăng. Trăng không chỉ đơn giản là bạn mà còn tượng trưng cho khát vọng sống, khát vọng yêu tha thiết của thi sĩ họ Hàn. Bởi lẽ bệnh tật hiểm nghèo có thể trói buộc thân xác con người ấy, nhưng không thể giam giữ nổi một tâm hồn đẹp đẽ đến nao lòng, một khát vọng mãnh liệt đến điên đảo. Trong khi trăng của Thúy Kiều được ân cần chia xẻ làm đôi, nửa ở lại với Kiều, nửa theo Thúc Sinh: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”, thì trăng của Hàn Mạc Tử bị tàn phá bi thảm hơn: “cắn vỡ” và “đứt ruột” là những hình ảnh hủy diệt chết chóc:
“Hôm nay còn một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột!
Gió làm nên tội buổi chia phôi!”
Sau cùng, dù ở hình hài nào, trạng thái nào, ánh trăng vẫn luôn là sự đồng cảm mãnh liệt của nhà thơ và là sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu trong từng cung bậc cảm xúc. Từ đó người đọc có thể thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia với tâm tư, nỗi lòng của người thi sĩ. Ánh trăng từ lâu đã chẳng còn là một thứ ánh sáng, phong cảnh tự nhiên đơn thuần mà nó đã trở thành hạt bụi vàng của cuộc đời được chắt chiu tỉ mỉ qua ngòi bút của tác giả. Để rồi ánh trăng và người thi nhân mãi là một trong những đoạn tình đẹp đẽ nhất mà ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên, để rồi thơ ca có thể tồn tại đúng với giá trị của nó bao đời nay.
Bài và ảnh: Sưu tầm (theo Thùy Linh)