NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
CCB ĐÀO THIỆN SÍNH GỬI CHÙM THƠ (TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG) LÀ LỜI TRI ÂN TỚI CÁC LIỆT SỸ VÀ ĐỒNG ĐỘI THÂN YÊU – CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN VỚI MỐI TÌNH THUỶ CHUNG SON SẮT GIỮA 3 DÂN TỘC VIỆT NAM – LÀO – CAMPUCHIA; BBT trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài I:
GẶP LẠI TUỔI HAI MƯƠI
(Kính tặng chị em TNXP thời chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1964-1975)
Vui sao câu hát giọng hò
Bao năm xa cách bây giờ gặp đây!
Sim, mua xanh, đỏ vui vầy
Má hồng môi thắm tháng ngày vượt lên
Ngàn sâu cảnh đẹp thiên nhiên
Quê em chuối bưởi lại thêm đồi chè
Đi xa anh vẫn nhớ về
Hương Khê ơi! Nhưng mùa hè bom rung!…
Yêu đời em mãi trẻ trung
Đất nghèo nuôi chí anh hùng xưa nay
Bồi hồi tay nắm chặt tay
Lâu rồi gặp lại càng say tình người
Chúng mình ngày ấy hai mươi
Làm đường xe chạy, bom vùi chẳng lo!
Hương Đô ngọt những tiếng hò
Xen câu ví dặm, ai chờ ai đây?
Qua đêm mong, lại đến ngày
Con sông Ngàn Phố đong đầy tình xa…
Mít thơm Phúc Trạch, Hương Trà
Nhút êm vị mặn để mà thương nhau
Trải bao mưa nắng, đêm thâu
Bây giờ tóc trắng mái đầu…không quên.
Chúng mình có khoảng trời riêng
Hương Khê người, cảnh thiêng liêng, ngọt ngào…
Một chiều hè tháng 6 năm 2011
ĐÀO THIỆN SÍNH
Đôi điều cảm nhận về bài thơ “Gặp lại tuổi hai mươi’
Tuổi trẻ mỗi chúng ta thường có bao kỷ niệm ghi sâu mãi trong lòng.
Đào Thiện Sính, tác giả bài thơ “Gặp lại tuổi hai mươi” đã trang trải lòng mình qua nhiều kỷ niệm đẹp và hào hùng một thời máu lửa trên con đường chiến lược Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại đã thấm xương máu của hàng vạn, hàng triệu chiến sĩ giải phóng quân, thanh niên xung phong tuổi hai mươi thời kháng chiến chống mỹ:
Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang,
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.
(Tố Hữu)
Đào Thiện Sính đã cầm súng đánh giặc, đã từng vào sinh ra tử, đã cùng đồng đội gắn bó tuổi hai mươi của mình với những cung đường, những trọng điểm của con đường chiến lược Trường Sơn, nên bài thơ của anh là những lời chí tình chí nghĩa, những lời tâm huyết yêu thương.
Con đường Trường Sơn thuở ấy có nhiều tuyến, dài hàng ngàn cây số, có hàng ngàn con đèo, dốc núi, khe suối, nhiều cầu cống, nhiều tọa độ lửa, nhiều binh trạm. Anh và đồng đội đã gắn bó, đã chiến đấu, đã sống chết vì con đường, với bao địa danh, bao trọng điểm, nhưng trong bài thơ này anh chỉ nói đến Hương Khê, Hà Tĩnh với Ngàn Sâu, Hương Đô, Ngàn Phố, Phúc Trạch, Hương Trà,…Cảnh vật và con người ở những miền quê ấy đã trở thành mảnh tâm hồn anh, như Chế Lan Viên đã từng tâm sự: ‘khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Năm 2011, sau gần nửa thế kỷ, Đào Thiện Sính mới trở lại thăm chiến trường xưa, thăm lại vùng quê, thăm lại mảnh đất “đã nuôi anh thành dũng sĩ”. Bao kỷ niệm sâu sắc, cảm động dâng lên dào dạt, “Bây giờ tóc trắng mái đầu…không quên”, mảnh đất yêu quý và thiêng liêng “đã hóa tân hồn” anh và đồng đội trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hai tiếng “vui sao” mở đầu bài thơ cất lên như một tiếng reo mừng vui hội ngộ, khi anh gặp lại Hương Khê, chốn cũ yêu thương và những đồng đội đã từng chia lửa ác liệt sau bao năm dài xa cách.
Vui sao câu hát giọng hò
Bao năm xa cách bây giờ gặp đây!
Sau vần thơ, giọng thơ là những nụ cười, những ánh mắt, những giọt lệ.
Nhớ Hương Khê là anh, là các đồng chí, đồng đội nhớ tới Ngàn Sâu hùng vĩ, là nhớ tới những cánh rừng bát ngát, những triền đồi rực rỡ “sim, mùa xanh, đỏ”; là nhớ tới những cô thanh niên xung phong mười tám, đôi mươi xinh tươi, dũng cảm và yêu đời: “Má hồng môi thắm tháng ngày vượt lên” trong mưa bom bão đạn; là nhớ tới miền quê trù phú, hữu tình có hoa thơm trái ngọt bốn mùa: “Ngàn Sâu cảnh đẹp thiên nhiên – Quê em chuối, bưởi lại thêm đồi chè”.
Hương quê đậm đà ấy, lòng trung hậu của bà con Hương Khê, dù xa cách đã bao ngày, anh và đồng đội có bao giờ quên? Những mùa hè trước và sau năm Mậu Thân (1968), hàng trăm hàng ngàn máy bay giặc Mỹ quần đảo suốt đêm ngày, bắn phá ác liệt, dữ dội con đường Trường Sơn. Bom dội, lửa cháy, đất rung cùng với gió Lào như thiêu như đốt. Các chiến sĩ pháo binh, các chiến sĩ công binh, các chiến sĩ lái xe trong binh đoàn vận tải, hàng nghìn hàng vạn nữ thanh niên xung phong đã dũng cảm chiến đấu quên mình. Trong “những mùa hè bom rung” ấy, vị ngọt của múi cam, trái bưởi, vị chát đậm của bát nước chè xanh mà các bà , các mẹ đem cho, anh và đồng đội có bao giờ quên? Câu thơ của Đào Thiện Sính là câu hát ân tình quân dân thời máu lửa:
Đi xa, anh vẫn nhớ về
Hương Khê ơi! Những mùa hè bom rung!
Quên sao được mảnh đất đã nuôi ta, che chở ta? Lúc nào trong đáy sâu trong tâm hổn ta vẫn dội vang lời ca tiếng hát ân tình, ngọt ngào: “Chứ đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh – nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng quê ta…”
Qua đó ta càng thấy rõ cái tình dào dạt, cái tình chan chứa trong thơ Đào Thiện Sính, đó là tình đồng đội, tình đồng chí chiến đấu, là tình quân dân, tình hậu phương thời khói lửa.
Hà Tĩnh, Hương Khê…quê em mang truyền thống Hồng Lam, có nhiều trai tài gái đảm, là quê hương yêu dấu của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong Đồng Lộc, sáng ngời phẩm chất “anh hùng” mà anh và đồng đội, mà đồng bào ta, chiến sĩ ta có bao giờ quên?
Yêu đời em mãi trẻ trung,
Đất nghèo nuôi chí anh hùng xưa nay.
Gặp lại những cô thanh niên xung phong, những bạn đồng đội đã từng vào sinh ra tử để bảo vệ con đường chiến lược trường Sơn, Đào Thiện Sính bồi hồi sống lại bao kỷ niệm đẹp tuổi hai mươi. Trái tim anh “bồi hồi” xúc động. anh và các bạn đồng đội “ tay nắm chặt tay” trong tình thương mến. Tất cả đều vui sướng cảm thấy trẻ lại cùng bao kỷ niệm vơi đầy. cảnh đào đất lấp hố bom, cảnh bắc cầu làm đường cho xe chạy, cảnh mắc võng dưới tán cây rừng, cảnh chia nhau từng ca nước, từng viên thuốc,…bom nổ, đạn xới, lửa cháy, “bom nổ chẳng lo”. Lạc quan yêu đời hát ca. Câu hò, câu hát, câu ví dặm đã nâng cao chí khí chiến đấu tuổi hai mươi. Con Sông Ngàn Phố cuồn cuồn quanh năm bốn mùa đã “đong đầy tình xa”, tình yêu nước thương nhà, tình chiến đấu của tuổi hai mươi thủa ấy!
Khi cùng cảm thấy trẻ lại trong ngày gặp lại sau gần nửa thế kỷ xa cách. Khi cùng cảm thấy sung sướng tự hào về những kỷ niệm trong những tháng ngày sống đẹp của tuổi hai mươi, đã sống và chiến đấu vì một lý tưởng cao cả. đây là những câu thơ ngọt ngào thể hiện một cách tuyệt đẹp niềm vui sướng của anh với các bạn đồng đội, với các cô thanh niên xung phong tuổi hai mươi. Giọng thơ lâng lâng bồi hồi, tha thiết;
Chúng mình ngày ấy hai mươi
Làm đường xe chạy, bom vùi chẳng lo!
Hương Đô ngọt những tiếng hò
Xen câu ví dặm, ai chờ ai đây?
Qua đêm mong, lại đến ngày
Con sông Ngàn Phố đong đầy tình xa…
Đoạn cuối Đào Thiện Sính đã có một cách nói đậm đà về mối tình nghĩa sắt son thủy chung đối với Hương Khê, Hà Tĩnh, một miền quê đã nuôi ta thành anh hùng dũng sĩ, mảnh đất mà ta đã hiến dâng tuổi hai mươi, đã nguyện chiến đấu và hy sinh vì độc lập thống nhất của Tổ Quốc.
Hương quê, tình quê đã thấm sâu vào hồn tuổi hai mươi, để mỗi chúng ta nhớ và thương nhau trong tình sâu nghĩa nặng;
Mít thơm Phúc Trạch, Hương Trà
Nhút êm vị mặn để mà thương nhau
Tuy “Bây giờ tóc trắng mái đầu”, nhưng mỗi chúng ta vẫn không quên những năm tháng chiến đấu dữ dội, “những mùa hè bom rung”, “trải bao mưa nắng đêm thâu” dải dầu gian khổ ác liệt!
Có thủy chung, có sống hết mình tuổi hai mươi, thì mỗi chúng ta mới gắn bó tâm hồn mình với cảnh vật, với con người, với nhân dân, nơi mà mình đã sống và chiến đấu, để hiến dâng, đã đồng cam cộng khổ, sống chết với con đường.
Ngàn sâu, Hương Đô, Ngàn Phố, Phúc Trạch, Hương Trà, Hương Khê,… đã trở thành “khoảng trời riêng”, đã khắc sâu vào trái tim hàng ngàn, hàng vạn nữ thanh niên xung phong tuổi hai mươi, hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ giải phóng quân thời kháng chiến chống Mỹ, trở thành hành trang của nhà thơ Đào Thiện Sính.
Đẹp nhất là hai câu thơ cuối bài “Gặp lại tuổi hai mươi”
Chúng mình có khoảng trời riêng
Hương Khê người, cảnh thiêng liêng ngọt ngào…
“Khoảng trời riêng”, ấy là mảnh đất Hương Khê để mỗi chúng ta nhớ, để mỗi chúng ta yêu thương, trân trọng và tự hào.
Thơ của Đào Thiện Sính mỗi chúng ta bồ hồi sống lại tuổi hai mươi, chúng ta xúc động được sống lại những năm tháng hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bài “Gặp lại tuổi hai mươi” là thơ của người lính, ngọt ngào như ca dao, đậm đà như câu hát dặm. Cái tình tỏa rộng, thấm sâu vào tùng câu thơ, vần thơ. Đó là tình đồng đội chiến đấu của tuổi hai mươi, đó là tình yêu quê hương xứ sở, đó là tình nghĩa thủy chung ở đời.
Mùa xuân năm 1967, tôi (người viết lời trình) mới được đội mũ tai bèo vượt Trường Sơn cùng đồng đội tiến vào miền Nam, tiền tuyến lớn anh hùng. Tâm hồn in sâu sự tích anh hùng của hàng vạn chiến sĩ, của hàng vạn cô thanh niên xung phong tuổi hai mươi.
Mùa xuân này, 2012, tôi được vinh dự đọc bài thơ của anh Đào Thiện Sính. Tôi bồi hồi sống lại bao kỷ niệm đẹp trên đường Trường Sơn thuở ấy, tôi nhẩm đọc
Gặp em giữa rừng lộng gió
Xuân đi ào ào lá đỏ
(…) Chào em – chiến sĩ Trường Sơn
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn
Em đứng vẫy cười, đôi mắt trong
(Trích Bài thơ “gặp em cô gái Trường Sơn” của Nguyễn Đình Thi)
TẠ ĐỨC HIỀN
Giáo sư, nguyên giảng viên trường đại học sư phạm Hà Nội