NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
CCB ĐÀO THIỆN SÍNH GỬI CHÙM THƠ (TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA) LÀ LỜI TRI ÂN TỚI CÁC LIỆT SỸ VÀ ĐỒNG ĐỘI THÂN YÊU – CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN VỚI MỐI TÌNH THUỶ CHUNG SON SẮT GIỮA 3 DÂN TỘC VIỆT NAM – LÀO – CAMPUCHIA; BBT trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài II:
DÒNG CẢM XÚC BÀI THƠ: TÌNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI VÙNG BIÊN
Chào em cô gái Lào Thơng
Chúng mình chung dải Trường Sơn nghĩa tình
Ngắm rồi mới thấy em xinh
Vòng ngụy trang lá rung rinh mỉm cười
Tôi đi tít tận chân trời
Càng thương nhớ lắm đất, người vùng biên.
Đào Thiện Sính Ngã ba Đông Dương, hè 1970
(Trích từ chùm thơ Trở về chiến trường xưa của cựu chiến binh Đào Thiện Sính
DÒNG CẢM XÚC KHI ĐỌC BÀI THƠ: TÌNH ĐẤT TÌNH NGƯỜI VÙNG BIÊN
Mở đầu bài thơ là lời chào thân thương của anh bộ đội cụ Hồ dành cho các cô gái dân tộc Lào sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ
Chào em cô gái Lào Thơng
Chúng mình chung dải Trường Sơn nghĩa tình
Hai tiếng chúng mình sao gần gũi thân thương đến thế. Bởi hai dân tộc Việt Lào cùng chung chiến hào chống Mỹ, một dải rừng già bao la không còn là biên giới riêng. Nó đã trở thành chiến trường chung của hai nước.
Đào Thiện Sính vinh dự ba lần đi trên con đường ấy, gặp những người dân, gặp những cô gái Lào đi gùi đạn, lương thực và chèo thuyền đưa bộ độ qua sông. Hình ảnh ấy đã tạc vào tâm tưởng nhà thơ.
Ngắm rồi mới thấy em xinh
Vòng ngụy trang lá rung rinh mỉm cười
Được gặp, được sống với người dân trong đó có các cô gái Lào. Bộ đội Việt Nam đã dạy các cô cách làm vòng ngụy trang để sử dụng và làm tặng lại bộ đội. Được cùng nhau sinh hoạt văn nghệ trên mỗi cung đường, những điệu múa lâm vong, lâm tơi say mê theo tiếng gõ, nhạc cụ bằng nắp nồi cơm, bằng vỏ quả bom, bằng cuốc, xẻng nhiều lần như thế Đào Thiện Sính cùng bao người lính trẻ phải xốn sang trong lòng với những điệu múa uyển chuyển dịu dàng.
Vòng lá ngụy trang thể hiện cho mái tóc xanh, đôi mắt biếc, nụ cười duyên dáng e ấp. Đường Trường Sơn ngày ấy người đến người đi về phía trước may mắn gặp được những thiếu nữ người Lào cũng là niềm động viên tinh thần để rồi vượt trăm suối nghìn khe. Đèo cao dốc đứng mà vẫn đêm đêm thao thức nhớ về.
Ngắm rồi mới thấy em xinh
Vòng ngụy trang lá rung tinh mỉm cười
Được đọc nhiều thơ của Đào Thiện Sính và một thời gian dài tôi gặp ông, ông thổ lộ tháng 04/1970 tại Ngã Ba Đông Dương ông đã viết bài này với 2 câu cuối:
Anh đi khắp bốn phương trời
Càng thương nhớ lắm nụ cười của em
Cho tới 2007 về hưu ông đã xây dựng chương trình quyết định phải trở lại Trường Sơn để gặp người xưa, cảnh xưa. Tuy lúc ấy đã hơn 60 tuổi nhưng tuổi nhưng trông ông rất khỏe, nhanh nhẹn và đầy nghị lực.
Ông kể sau tám năm đã đến với Trường Sơn từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), A Đớt (Thừa Thiên Huế), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Cầu Treo (Hà Tĩnh)….Ông đi bộ sâu vào vùng biên giới thuộc đất Lào. Những nơi đi qua cảnh sống của đồng bào còn khổ, phần do tập tục, thời tiết và nhiều nguyên nhân khác mà nhân dân hai nước sống trên đại ngàn Trường Sơn vẫn rất nghèo. Nên ông đã sửa 2 câu cuối bài thơ:
Tôi đi tít tận chân trời
Càng thương nhớ lắm đất người vùng biên
Trong những chuyến đi ấy thật tình cờ, thật may mắn nhờ bộ đội biên phòng nên đã gặp được bà Keo Chân Thạ, năm nay trên 70 tuổi, một trong những cô gái năm xưa đưa bộ đội qua sông bằng thuền độc mộc. Bà Keo Chân Thạ rất giỏi tiếng việt nên ông ở lại giao lưu cùng với bà con dân bản một ngày thế rồi bài thơ ra đời.
Ngày xưa ông từng tham gia múa Lăm vông cùng các chiến sĩ say xưa bên các cô gái chăn na, Thoang hạy, Keo lây ở các bản của Atopơ, Saravan, Chăm pa Sacwsk những kỷ niệm đẹp đẽ vẫn ùa về trong trí nhớ, niềm vui. Bài thơ chỉ 6 câu, lời thơ tự nhiên tuôn chảy bộc lộ suy nghĩ tình cảm sâu nặng với đồng bào vùng biên giới cho đến hôm nay.
Lời thơ bình dị, chân thành, đầm thắm như chính cuộc đời ông vậy.
Thạch Thành, Thanh Hóa tháng 8 năm 2020
Nguyễn Thị Phương, nhà giáo đã nghỉ hưu