Hà rất trăn trở khi đọc các bài báo phản ánh hiện tượng ở một số nơi, cây thuốc nam bị phun hóa chất để bảo quản. Văn hóa doanh nghiệp ở đâu khi người bệnh uống thuốc nam không những không khỏi bệnh mà còn mắc thêm bệnh? Vì vậy, Hà có một mong muốn mãnh liệt: Khách hàng có thể sử dụng những sản phẩm thảo mộc sạch sẽ, chất lượng tốt để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Theo Hà, việc chế biến ra các sản phẩm thảo dược có thể sử dụng tiện lợi chính là một cách để đưa cây thuốc đến gần với khách hàng và cũng là con đường chân chính, lâu bền để xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp.

Năm 2019, Công ty TNHH Phát triển thảo dược Việt do Hà làm giám đốc ra đời. Công ty chuyên sản xuất các loại tinh chất hẹ, tinh chất cần tây, tinh chất tía tô, tinh chất rau má, tinh chất tỏi và các sản phẩm từ gừng sẻ bản địa như bột gừng, viên gừng đẩy hàn, cao gừng táo đỏ mang thương hiệu Vietherbes… Do được chế biến ở dạng thành phẩm và đóng lọ, khách hàng chỉ việc mua về, tiện lợi sử dụng mỗi ngày bằng việc pha nước uống, uống dưới dạng viên…

Đề cao văn hóa kinh doanh
Triệu Thị Hà trước gian hàng của Công ty.

Hà cho biết, các sản phẩm thảo mộc của Vietherbes được kiểm soát ngay từ đầu vào. Vùng nguyên liệu được trồng tại Mộc Châu (Sơn La) theo công nghệ IMO (vi sinh vật bản địa, sinh sống và phát triển hoàn toàn ngoài môi trường tự nhiên), sản xuất theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng hóa chất độc hại. Hà cũng ứng dụng công nghệ sấy phun nano giúp thu được sản phẩm tinh chất hoàn hảo, dạng bột siêu mịn, độ hòa tan lên đến 85-90%, gần như giữ lại được hết các hoạt chất, màu, mùi, vị thơm ngon, tiện lợi trong sử dụng.

Nói về chặng đường khởi nghiệp, Thạc sĩ nông nghiệp Nguyễn Thị Hà tâm sự: “Người mới bắt đầu bao giờ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như để làm ra được viên gừng đẩy hàn, tôi đã trải qua gần một năm thử nghiệm, trong đó phải bỏ đi rất nhiều mẻ hàng hỏng do không đạt chất lượng. Các sản phẩm thảo mộc cũng gắn liền với tác động của môi trường, thiên tai. Năm 2019, những luống cần tây đến ngày thu hái nhưng chỉ sau một đêm thấm sương muối đã úa vàng. Năm 2021, mưa gây ngập úng, chúng tôi đã phải bỏ đi hoàn toàn lượng cây thuốc đến ngày thu hái. Rồi khó khăn còn đến từ nguồn vốn eo hẹp, hạn chế trong tiếp cận với các tổ chức tài chính. Việc bán hàng, marketing đưa sản phẩm ra thị trường của Công ty còn chưa hiệu quả”. Nhưng điều đó không làm Hà nản lòng. Vietherbes bắt đầu ứng dụng chuyển đổi số, tham gia đào tạo và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada; bán hàng qua mạng xã hội, chạy quảng cáo trên Fanpage. Khởi nghiệp đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, Vietherbes cũng như các doanh nghiệp khác đều bị ảnh hưởng. Với sự linh hoạt, chuyển đổi mô hình kinh doanh sang online, Hà hy vọng dần dần mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.

Là một người trẻ khởi nghiệp, Hà thấy lợi thế của mình là lòng nhiệt huyết, tình yêu, quyết tâm đi đến cùng với các loại thảo dược. Hà tin mình sẽ đạt được những mục tiêu trong tương lai, có thể đưa thảo mộc, thảo dược Việt đến với hàng triệu khách hàng trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, Hà hiểu còn bao khó khăn. Chỉ một chút sơ sểnh trong ứng xử với khách hàng, với bạn hàng, nhân viên phản ứng thái quá với người tiêu dùng… cũng có thể khiến hình ảnh của Công ty bị ảnh hưởng, doanh thu tụt dốc, dẫn tới phá sản. Do đó, Hà cùng các thành viên trong Công ty luôn tâm niệm: Làm sạch, kinh doanh sạch, luôn đặt sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN -BÁO QĐND