Vẫn đi trên Quốc Lộ 19 đến ngã 3 Hàm Rồng tiến thẳng tới cửa khẩu Lệ Thanh. Đoạn đường này hơn 60 km, núi rừng ngày xưa trùng điệp (1977-1987). Bọn Phun Rô ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm khiến người đi đường và đồng bào ở đây khiếp sợ.
Phía ta là cửa khẩu Lệ Thanh, phía bạn là cửa khẩu Oyady, tỉnh Ratakiri Campuchia. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm tặng cho bạn con đường bê tông nhựa 4 làn xe chạy, phải qua sông suối, với 8 cầu, 14 cống, có lẽ cầu Sê Rebok dài nhất, hiện đại nhất. Đoạn đường này ngày xưa là Quốc Lộ 19 giờ đây đổi tên là Quốc Lộ 78, chiều dài 70 km chạy từ cửa khẩu Lệ Thanh tới thành phố Ban Lung. Ngày khánh thành 28/10/2010. Thủ tướng Hun Xen và phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cắt băng khánh thành.
Đại tá Ngô Đức Tấn năm nay ông đã 86 tuổi, hồi tưởng lại:
“Những năm 1976-1979 Pol Pot gây ra hàng trăm lần xâm lấn biên giới của ta. Quân Khu 5 đã giao nhiệm vụ cho F2 và F309. Lúc đó tôi là trung đoàn trưởng E94 cùng với E29 của F309 trực tiếp chiến đấu. Đến giữa tháng 08/1978 ta đã thắng lợi giải phóng Bô Keo. Hàng ngàn người dân ở khu tập trung thoát nạn, rất nhiều người sõi tiếng việt đã trở thành người dẫn đường và phiên dịch cho chúng tôi.
Một trận đánh then chốt đó là vào căn cứ trên giao lộ 19,13 (quốc lộ 19 và quốc lộ 13). Ta đã lừa địch vào thế ngọng kìm, cả sư đoàn của địch bị tiêu diệt, số còn lại chạy vào rừng. Ta đã thu được nhiều chiến lợi phẩm, súng đạn và kho hậu cần lớn. Phía ta cũng có tới hàng trăm chiến sỹ hy sinh – sau 20/1/1979 đơn vị tổ chức bốc thi hài liệt sỹ đưa về Đức Cơ nhưng lúc này thi hài đang thời kỳ phân hủy nhưng chúng tôi phải dùng xăng thiêu sau đó mới cho vào bao ni lông (giọng ông trầm xuống cảm động). Thương nhớ đồng đội, tinh thần lên cao, chúng tôi đã tiếp tục tiêu diệt tàn quân Pol Pot. Tôi ở lại Prat Vi Hia được lên Trung Tá, rồi Đại tá, sư đoàn Phó 309. Cho đến tháng 09/1989 mới về nước”.
Còn tôi (CCB Đào Thiện Sính) được đi trên Quốc lộ 19 – 13 rất nhiều lần.
Giờ đây thành phố Ban Lung sầm uất. Những con đường chính được quân khu 5 làm đường bê tong tặng bạn, ngã 3, ngã 4 đều có đèn xanh đỏ. Việt kiều của ta có tới gần 5000 người.
Đi thăm hồ Yeaka Laom diện tích chỉ 800 m2, ngày xưa là nguồn nước quý hiếm cho bộ đội trong cả hai thời kỳ chống mỹ và Pol Pot.
– Thăm tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã hoàn thành tháng 11/2018. Khuôn viên rộng tới 3116m2 sừng sững trên đất Ratana Kiri để tưởng nhớ công ơn của quân tình nguyện Việt Nam.
Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại thành phố Ban Lung
Khi về tôi ở lại Bo keo một đêm – bởi nơi đây thời chống mỹ đã được đồng bào chữa sốt rét cho đơn vị tôi bằng 1 loại cây dây leo ruột vàng đắng như thuốc ký ninh. Dù đã 53 năm nhưng đồng bào vẫn cuộc sống đơn xơ với những mái nhà sàn nho nhỏ, trong nhà không hề có vật gì đáng giá. Cuộc sống vẫn thiếu thốn, dựa vào thiên nhiên – dựa vào cây rừng làm thuốc nhưng tấm lòng của họ vẫn giản dị. Người xưa không gặp nay thế hệ mới họ vẫn trân trọng anh bộ đội Việt Nam – người lính quân tình nguyện đã cứu họ thoát khỏi họa diệt chủng.
Cháu Ngân Nga “chồng Ngân, vợ Nga” năm nay 36 tuổi kể lại đồng bào ở đây rất tốt, cháu sang đây đã hơn 20 năm để làm ăn. Đồng bào rất chân tình nhưng cởi mở – thật thà hiền hậu. Tôi đã giao lưu với gần 200 người Việt Kiều tại đây vào buổi tối do vợ chồng cháu Ngân Nga tổ chức. (Ngân Nga là hội trưởng của hội Việt Kiều ở đây).
BÔ KEO
Bô Keo trên một quả đồi (1)
Hôm nay gặp lại bồi hồi nhớ thương
Bao năm lặn lội chiến trường (2)
Đồng bào đưa đón dặm đường tôi qua
Những ngày dừng lại với nhà
Đơn sơ vách nứa mà tha thiết lòng!
Măng chua, ốc suối vui chung
Với ly rượu lá3 múa cùng thâu đêm…
Bô Keo ơi! Khắc trong tim
Bản làng nghèo khó xây nên nghĩa tình
Bô Keo bát ngát rừng xanh
Đi xa mà chẳng quên mình… rừng ơi!
Bô Keo thắm mãi tình người
Cho tôi ôm cả đất trời Bô Keo4
(Đào Thiện Sính)
(1) Bô Keo là tên một bản ở tỉnh Natakiri, Campuchia
(2) Từ năm 1970 – 1982, tôi và đồng đội. Bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ Quốc tế.
(3) Rượu lá: Rượu nấu ủ men bằng một thứ lá cây rừng
(4) Ngày 16/09/2023, ngày thăm lại chiến trường xưa
Tin và ảnh Đào Thiện Sính