Hiện cả nước vẫn còn gần 180.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy, khoảng 300.000 liệt sĩ chưa biết tên dù đã đưa hài cốt vào các nghĩa trang. Để trả lại tên cho các liệt sĩ chưa xác định danh tính, các cơ quan chức năng đã thành lập ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân để so sánh kết quả giám định gen (ADN).
Tại gia đình liệt sĩ Nguyễn Chí Cường ở thôn Trung Tiến, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, từ sáng sớm, người dân trong thôn đã có mặt đông đủ để dự lễ đón nhận và truy điệu hài cốt, vừa được đưa từ Bình Định về quê nhà.
Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường sinh năm 1942, tại thôn Trung Tiến, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ năm 1967, hy sinh ngày 10/6/1972 tại An Nhơn, Bình Định trong trận phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn 309. Sau này, hài cốt của ông được đơn vị quy tập về nghĩa trang Nhơn Hưng, nhưng do thiếu thông tin, điều kiện thời chiến tranh, nên trên bia mộ chỉ ghi vẻn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ Nguyễn Quốc Cường”.
Tại quê nhà, gia đình liệt sĩ nhận được giấy báo tử, nhưng chỉ biết ông hy sinh tại Bình Định. Kể về hành trình gian nan đi tìm hài cốt của cha, hai vợ chồng người con Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Văn Chiến không cầm được nước mắt cho biết: “Gia đình tôi đã đi tìm kiếm hàng chục năm nay. Cứ có thông tin về bố tôi đang được chôn cốt ở đâu, là gia đình đi tìm kiếm. Trước khi mất, mẹ tôi cũng chỉ có một mong muốn là đưa hài cốt bố tôi về quê nhà”.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Chí Cường được sự hỗ trợ tích cực của ông Nguyễn Đức Kim, cháu ruột, sỹ quan quân đội nghỉ hưu. Ông Nguyễn Đức Kim cũng là thương binh, nên cũng đau đáu việc tìm kiếm hài cốt của bác.
Ông Nguyễn Đức Kim chia sẻ: “Từng là người lính và bị thương trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị, tôi hiểu hơn ai hết những mất mát đau thương của gia đình. Tôi liên tục nhờ người quen trong quân ngũ để tìm kiếm thông tin bác tôi. Dấu mốc thông tin được cụ thể hơn từ năm 2016, khi quân đội cho phép giải mã phiên hiệu các đơn vị, tôi đã khoanh vùng được bác tôi hy sinh tại An Nhơn, Bình Định. Cả gia đình đã chia nhau đi hết các nghĩa trang tại An Nhơn, Bình Định và xác định tại Nghĩa trang Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định là tỷ lệ trùng thông tin nhiều nhất”.
“Tại đó có 2 bia mộ liệt sĩ có tên liệt sĩ Cường, trong đó một mộ liệt sĩ đã được gia đình di chuyển về quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tôi đã cất công về tận quê liệt sĩ này để xác định thông tin và làm phép loại trừ. Tôi phán đoán do sơ suất quy tập hoặc điền thông tin viết tay trong hồ sơ, nên bị sai. Do đó, tôi phải quay ngược ra Hà Nội, làm đơn gửi Cục Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của Thái Bình và Bình Định, xin phép được giám định ADN. Do vướng các thủ tục lệch tên, nên việc giám định gen khó triển khai theo các văn bản hiện hành. Do đó, gia đình làm hồ sơ chuyển sang Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để giám định nhanh hơn…”, ông Nguyễn Đức Kim chia sẻ.
Ngay sau khi nhận được thông báo có kết quả gen trùng khớp, gia đình liệt sĩ đã họp và làm thủ tục đính chính tên và đưa hài hài cốt liệt sĩ Nguyễn Chí Cường từ Nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Hưng ở An Nhơn, Bình Định về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiền Hải, Thái Bình… Việc trả lại tên cho liệt sĩ Nguyễn Chí Cường thỏa lòng mong ước dài hơn nửa thế kỷ mong đợi của gia đình.
“Bao năm hy vọng, nay gia đình đã được đón bác tôi trở về an nghỉ nơi quê nhà. Tôi vô cùng cảm động và biết ơn chính quyền, các cơ quan đoàn thể, họ hàng, đồng đội, dân làng đến thắp hương, tiễn đưa bố tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Việc đưa được cha tôi về quê cũng đã dịu đi nỗi đau mất mát người thân trong thời chiến”, ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.
“Từ kinh nghiệm đi tìm mộ của bác tôi, việc đầu tiên là phải xin giải mã phiên hiệu đơn vị liệt sĩ đã hi sinh để khoanh vùng tìm kiếm. Do đó, người thân làm đơn đến tỉnh đội giải mã phiên hiệu đơn vị liệt sĩ hi sinh dựa trên giấy báo tử. Sau đó khoanh vùng và tìm kiếm đồng đội còn sống để có thông tin xác thực theo phương pháp thực chứng. Trường hợp mộ liệt sĩ sai hoặc thiếu thông tin và chưa xác định danh tính dùng biện pháp xét nghiệm gen”, ông Nguyễn Đức Kim cho hay.
Cũng trong dịp tháng 7/2024, sau khi nhận được thông báo kết quả giám định gen, ông Phan Thế Hiểu (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để đưa hài cốt của anh trai, liệt sĩ Phan Minh Nham, về quê hương. Sau 49 năm, liệt sĩ đã được em trai đưa về quê hương, kết thúc hành trình gian nan đi tìm mộ người thân.
Liệt sĩ Phan Minh Nham sinh năm 1955 tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ lần 2 tháng 2/1974, chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông hy sinh ngày 14/4/1975. Một năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử.
“Trên mảnh giấy ấy chỉ vỏn vẹn mấy dòng về tên tuổi, quê quán và dòng chữ ‘đã mai táng tại bệnh viện huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho’. Cùng năm đó, gia đình biết thêm thông tin anh hy sinh trong trận chiến tại Mỹ Tho từ hai người cùng xã trở về. Từ lúc anh tôi lên đường chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc cho tới ngày nhận tin dữ, gần như gia đình không có thông tin gì về anh. Khi đó, bố mẹ tôi cũng nghĩ có lẽ đã mất anh”, ông Phan Thế Hiểu bồi hồi nhớ lại.
Từ thông tin trên giấy báo tử và từ đồng đội, gia đình ông Hiểu đã nhiều lần từ Thái Bình vào tận Mỹ Tho (giờ thuộc Tiền Giang) mà vẫn không tìm thấy mộ người thân. Từ nơi chôn cất ban đầu, sau này phần mộ của liệt sĩ Phan Minh Nham được đội quy tập tìm kiếm, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Mỹ Tho.
“Suốt 30 năm, cứ có thông tin ở đâu là chúng tôi lại đi, chỉ mong đưa được anh trai về quê. Cả nhà tôi nhiều lần tìm vào tận chiến trường, thậm chí dùng mọi biện pháp, kể cả tâm linh nhưng vẫn vô vọng. Nhà ngoại cảm chỉ đâu gia đình đi tìm đó, nhưng rồi đều thất vọng. Bố mẹ tôi đau đáu chuyện chưa thể đưa con trai trở về, nên trước lúc mất, ông bà để lại cho tôi mảnh giấy ghi địa điểm, tọa độ được xác định bằng cách ‘áp vong’ và căn dặn tôi tiếp tục tìm, mang anh trở về”, người em trai liệt sĩ kể lại.
Bẵng đi khoảng 5 năm, khi mà tưởng chừng không còn cơ hội, tháng 3/2023, ông Phan Thế Hiểu bất ngờ nhận được thư từ cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang báo tin về phần mộ có thể là liệt sĩ Phan Minh Nham.
Nhận được tin, gia đình ông Hiểu liền thu xếp vào miền Nam tìm phần mộ anh trai và xác minh thông tin. Song, vào đến nơi, tại phần mộ liệt sĩ, bia mộ lại ghi tên Phan Văn Nham và cũng có một gia đình khác tại Nam Định đến nhận là người thân của họ.
“Gia đình tại Nam Định cũng khăng khăng nhận đó là phần mộ là thân nhân của họ, bởi nghe “thầy ngoại cảm” phán vậy. Trong khi căn cứ thông tin từ đồng đội cũ và từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương, tôi tin đó là anh trai mình, nên giải pháp được cơ quan chức năng địa phương đưa ra là xác định qua giám định gen. Khi kết quả giám định ADN được công bố, tôi vỡ òa vì có thể khẳng định người nằm bên dưới phần mộ đó chính là liệt sĩ Phan Minh Nham anh trai tôi. Sau nửa thế kỷ, gia đình nhận tin về anh là tin buồn, còn hiện tại đó là tin vui khó tả bởi đưa anh tôi về quê đúng dịp tháng 7 này”, ông Hiểu chia sẻ.
Cùng niềm vui với gia đình 2 liệt sĩ ở Thái Bình trong tháng 7/2024, cách đây 2 tuần, bà Phạm Thị Vinh, em ruột liệt sĩ Phạm Văn Thước, quê xã Định Thành, huyện Yên Định, Thanh Hoá cũng nhận được tin báo kết quả giám định gen trùng khớp với mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Liệt sĩ Pham Văn Thước nhập ngũ năm 1971, khi mới 17 tuổi, hy sinh năm 1975. “Phải 10 năm sau, gia đình mới nhận được giấy báo tử, nhưng lúc đó gia cảnh nghèo, nên không đi tìm kiếm anh tôi được. Đến năm 1985, gia đình tôi vào Bảo Lộc, Lâm Đồng đi xây dựng kinh tế mới và cũng nhiều lần tìm kiếm tại các nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, nhưng không có kết quả”, bà Phạm Thị Vinh bày tỏ.
Sau này, bà Phạm Thị Vinh có lên mạng xã hội nhắn tìm mộ anh trai và được một số đồng đội từng chiến đấu cùng anh trai báo tin mộ liệt sĩ Phạm Văn Thước đã được quy tập tại nghĩa trang Thủ Đức. Tuy nhiên, tên thì đúng, nhưng năm sinh, quê quán lại sai thông tin. Bằng phương pháp thực chứng từ đồng đội, bà Phạm Thị Vinh luôn tin ngôi mộ đó là anh trai, nên tôi đã làm đơn xin làm giám định gen cách đây 2 năm. Đợi chờ đằng đẵng với nhiều thông tin trái chiều như: Mẫu không đạt, thông tin còn thiếu…
“Khi đại diện Cục Người có công thông báo kết quả xét nghiệm trùng khớp. Tôi gần như không ngủ cả tuần nay để ra Hà Nội nhận kết quả và bàn với anh em trong gia đình kế hoạch đưa anh tôi về nhà”, bà Phạm Thị Vinh chia sẻ.
“Đồng đội đã chiến đấu và hy sinh để tôi được sống, nên giữ đúng lời giao ước với đồng đội trước đây, người còn sống sẽ đi tìm đưa người đã mất trở về”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, nguyên Phó tư lệnh, Chính uỷ Bộ tư lệnh Công binh, nguyên Chính uỷ Học viện Kỹ thuật quân sự khẳng định.
Do đó, năm 2011, khi vừa nghỉ hưu, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng lập tức tập trung vào việc tìm hài cốt đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ ở các tỉnh thành. Hơn 13 năm làm “công việc không lương”, cứ “khi nào có thông tin là tướng Hưng lên đường, dù hành trình có khi lên tới hàng nghìn cây số sang nước bạn Lào…
Sở dĩ có thể bền bỉ với công việc như vậy, theo tướng Hoàng Khánh Hưng là do cơ duyên, đồng đội mách bảo và gia đình ủng hộ vô điều kiện. “Tôi sang Lào 10 lần tìm đồng đội thì 6 lần vợ tôi đi cùng. Nhờ sự động viên đó, nên tôi vẫn liên tục đi tìm đồng đội, bởi thời gian sẽ không đợi chúng ta. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn do địa hình, địa vật của chiến trường xưa thay đổi nhiều. Thời tiết nhiều địa phương khắc nghiệt, nên hài cốt theo năm tháng cũng phai tàn”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ.
“Thực tế này đặt ra vấn đề cần giám định gen ADN xác định danh tính liệt sĩ. Tiền giám định gen ADN hiện nay với mỗi mẫu phẩm là 5 triệu đồng. Để xác định thông tin liệt sĩ chưa biết tên phải xác định cả thân nhân, tối thiểu là một mẫu. Do đó, để xác định gen thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính cần 2 mẫu với chi phí khoảng 10 triệu đồng. Do đó, để làm được xét nghiệm gen và đưa liệt sĩ trở về cần phải có kinh phí” Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ.
Trong 13 năm qua, từ vận động nhiều nguồn và chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ, tổng số tiền huy động được khoảng 170 tỷ đồng. Số tiền này góp phần di chuyển hài cốt liệt sĩ từ các chiến trường, nghĩa trang về quê hương đất mẹ, đính chính thông tin trên bia mộ, giúp gia đình liệt sĩ tìm được thân nhân, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tình nghĩa, tặng quà…
Trong 13 năm, tướng Hoàng Khánh Hưng và đồng đội đã tiếp nhận, xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ để giám định ADN; trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ, tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt; 200 gia đình tìm được hài cốt cha anh mình; đính chính thông tin trên bia mộ cho 1.000 liệt sĩ.
Trên hành trình tri ân đồng đội, tướng Hoàng Khánh Hưng đã thực hiện hàng trăm chuyến đi khắp đất nước nhưng những lần đi tìm mộ liệt sĩ bên nước bạn Lào là gian nan, day dứt nhất. Ông kể, hành trình đi từ Hà Nội lúc 5 giờ sáng, đến Viêng-chăn (Lào) thường là 16 giờ, rồi đi thêm 300 cây số nữa mới đến được nơi theo thông tin cung cấp.
“Thời trẻ, tôi sang Lào nhiều đợt chiến đấu nhưng nay trở lại, những con đường cũ năm xưa dù nhớ như in nhưng đến giờ rất khó định hình do địa hình thay đổi qua năm tháng. Cuộc tìm kiếm có lúc kéo dài nhiều ngày, sáng đi tối lại phải quay ra. Đôi khi đoàn quy tập lại chật vật vì tìm quanh không có nơi để lưu trú.
“Có một lần, chúng tôi tìm được đúng thông tin liệt sĩ do cựu chiến binh Lào cung cấp về 31 ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam. Tôi có báo với các đội quy tập liệt sĩ của ta triển khai khai quật lên nhưng đều là đất cả. Việc này khó vì chiến trận ác liệt, khi chôn cất đồng đội, nếu làm chủ được chiến trường, việc chôn cốt còn chu đáo. Nếu không làm chủ được chiến trường, nhiều khi kéo vội ra ngoài hàng rào, chôn lấp khoảng 30 -50 cm đất thôi. Do đó, với khoảng 50 năm nên đến bây giờ, nhiều ngôi mộ không còn gì. Cho nên muốn giám định cũng rất khó. Trong khi đó, để có thể đưa anh em về quê mẹ, nguyên tắc phải còn xương cốt, di vật nên dù thương bạn lắm vẫn đành đắp mộ lại”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng bùi ngùi.
“Kinh nghiệm đi tìm mộ liệt sĩ những năm qua cho thấy, trước tiên là biện pháp thực chứng, từ chính các đồng đội cùng đơn vị, kết nối thông tin để tìm về đúng nơi liệt sĩ đã chiến đấu và được chôn cất. Trường hợp sai thông tin và chưa biết tên thì xác định gen là giải pháp khoa học chính xác nhất. Đây cũng là giải pháp dẹp các biện pháp ngoại cảm tâm linh trá hình lấy tiền của nhiều gia đình đi tìm mộ liệt sĩ”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ.
Không chỉ tìm thông tin còn lưu trữ của quân ta. Trung tướng Hoàng Khánh Hưng còn tìm kiếm thông tin đồng đội từ các cựu chiến binh Mỹ. Ngày 19/6/2024 vừa qua tại Hà Nội, cựu chiến binh Mỹ và Viện Hoà Bình Mỹ đã sang thăm Việt Nam, trở lại chiến trường xưa và đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam.
Tại những buổi gặp gỡ này, các cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam những thông tin quý báu như các hồ sơ ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, với 20 vị trí mộ chôn tập thể của Việt Nam. Nếu thực hiện tốt công tác khảo sát lại, khai quật hết được 20 vị trí này, có thể đưa về được khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ.
Những mộ chôn tập thể thường dài 7 m, rộng 3 m, sâu khoảng 3 m. Vì vậy, khi tìm không được dùng máy móc, phải dùng máy siêu âm để tìm và đào thật sâu như trường hợp ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, phải đào sâu 3 m mới tìm được 62 hài cốt liệt sĩ.
Mới đây nhất, từ thông tin của cựu chiến binh Mỹ, Hội đã cử Trưởng ban chính sách đi vào Tiền Giang để xác minh lại 97 ngôi mộ. Hy vọng thời gian tới, có thể tìm kiếm được thêm mộ liệt sĩ dù không biết tên, nhưng đưa các đồng đội, liệt sĩ vào nơi an nghỉ ở các nghĩa trang.
“Cứ có thông tin ở đâu là chúng tôi đi tìm kiếm đồng đội trở về. Các đồng đội đã chiến đấu và hy sinh để tôi và mọi người được sống như ngày hôm nay. Chính điều này thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thực tế hơn để tri ân đồng đội, làm thay phần việc của những người đã ngã xuống để giúp gia đình, vợ con họ. Điều mà tôi mong nhất lúc này là việc triển khai xác định danh tính liệt sĩ càng sớm càng tốt bởi việc tìm kiếm và giám định ngày càng khó. khăn hơn”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng tâm sự.
Tổng kết kết quả thực hiện đề án về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, theo Ban Chỉ đạo 515, từ năm 2013 đến tháng 5/2024, toàn quốc tìm kiếm, quy tập được hơn 21.200 hài cốt liệt sĩ (hơn 10.200 hài cốt liệt sĩ trong nước, hơn 3.300 hài cốt liệt sĩ ở Lào, gần 7.600 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia ). Các đơn vị chức năng tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp (bằng phương pháp thực chứng được gần 3.000 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN được hơn 1.000 trường hợp.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đào Ngọc Lợi cho biết, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ giao cho các địa phương xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ, tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ gửi về các cơ sở giám định.
Ông Đào Ngọc Lợi nhận định, đây là phương pháp xác định chính xác mối quan hệ huyết thống của liệt sĩ với thân nhân, song thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Đối với công tác giám định gen, hầu hết hài cốt liệt sĩ chôn cất trên 50 năm, thực hiện di chuyển một số lần. Vì vậy, nhiều hài cốt không lấy được mẫu để phân tích, hoặc lấy được mẫu nhưng chất lượng ADN tổng hợp được không đạt để so sánh, đối khớp với thân nhân.
Bên cạnh đó, người có quan hệ huyết thống với liệt sĩ đa số đã già yếu, nhiều gia đình thậm chí không còn người để lấy mẫu theo dòng mẹ. Một số cơ sở giám định ADN đã được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ với trang thiết bị, máy móc cũ, đội ngũ giám định viên còn thiếu nên ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giám định ADN.
Từ góc độ khoa học ông Hà Hữu Hảo, Trưởng khoa Y – Sinh học, Viện Pháp y quốc gia cho rằng: “Khó khăn của giám định gen xác định danh tính liệt sĩ nằm ở việc thiếu cơ sở dữ liệu để so sánh và đối chiếu các mẫu. Khi có kết quả dữ liệu về gen, vấn đề quan trọng tiếp theo là lấy mẫu của người thân rồi đưa vào hệ thống dữ liệu để đối chiếu”.
Theo các chuyên gia về giám định gen, từ thực tế lấy mẫu hài cốt trong 10 năm qua cho thấy, mẫu xương mủn theo thời gian và chỉ có 30% đáp đứng yêu cầu xét nghiệm. Đưa đi giám định cũng chỉ có một nửa trong số này còn có thể tổng hợp được gen cho dữ liệu để so sánh.
Trước những thách thức trên, để đẩy nhanh tiến độ công tác lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và giám định ADN, Ban chỉ đạo 515 và Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan xây dựng Đề án lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trên tất cả các nghĩa trang liệt sĩ và toàn bộ mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần xác định danh tính.
Cơ quan quản lý Nhà nước đồng thời đề xuất nâng cấp, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ; đầu tư, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, bổ sung nguồn lực cho các cơ sở giám định; tiếp nhận, chuyển giao máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến.
Một khó khăn nữa trong giám định gen là xây dựng bản định mức kinh tế kỹ thuật. Ông Đào Ngọc Lợi giải thích, giám định ADN là loại dịch vụ đặc thù, không thể áp dụng như giám định pháp y. Việc xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật phải căn cứ vào quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng đơn giá cho dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 119/2023/TT-BQP hướng dẫn quy trình này. Trên cơ sở Thông tư này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao Cục Người có công chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng trình Bộ trưởng ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định. Dự kiến, định mức kinh tế kỹ thuật về giám định mẫu gen sẽ được ban hành trong quý III năm nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp giám định ADN và thực chứng. Đến nay, lực lượng chức năng đã thu thập được 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Từ đó, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ. Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân.
“Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ công bố “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ”, tạo điều kiện từng bước xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ chưa xác định thông tin. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất thiêng liêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song, đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan và nhiều khó khăn nhưng chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Bài, clip: Xuân Cường (baotintuc.vn)
Ảnh: Xuân Cường + CTV + TTXVN
Trình bày, thiết kế: Nguyễn Hà , Xuân Minh