Trong lời kêu gọi nhân “Ngày Thương binh toàn quốc” (27/7/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “…Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần…”.
Thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc. Từ đó, hun đúc niềm tự hào của thế hệ hôm nay, trở thành động lực giúp họ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng – Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam tặng Bằng khen cho các cá nhân là hội viên Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ đạt thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng tổ chức Hội và tri ân liệt sĩ – Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tự hào truyền thống Đất Tổ Anh hùng
Theo số liệu thống kê của ngành LĐ,TB&XH, tỉnh Phú Thọ có hơn 256.000 người có công với cách mạng, trong đó 1.251 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 121 cán bộ lão thành cách mạng, 462 cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 11.300 thương binh, bệnh binh, hơn 18.300 liệt sĩ, 7.346 người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, 77 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã luôn quan tâm giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân, gia đình các liệt sĩ nhanh chóng, kịp thời.
Thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 23.000 người với kinh phí trên 500 tỷ đồng mỗi năm một cách đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch. Các chương trình chăm sóc người có công được thực hiện kịp thời. 99,98% gia đình chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng.
Công tác vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” mỗi năm đạt gần 4 tỷ đồng. Các chương trình xây “Nhà tình nghĩa”, tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công.
Việc tổ chức thăm hỏi tặng quà gia đình người có công nhân dịp Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, ngày lễ, Tết hàng năm cũng như công tác chăm sóc mộ phần- nghĩa trang liệt sĩ được các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chính sách ưu đãi về nhà ở, về giáo dục – đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho người có công và thân nhân có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, công tác giải quyết những tồn đọng chính sách sau chiến tranh, nhất là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức chu đáo việc đón nhận hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc và liệt sĩ làm nhiệm vụ quốc tế về an táng tại quê hương.
Ngành LĐ,TB&XH luôn tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan hữu quan trong việc xác nhận liệt sĩ, thương binh còn tồn đọng qua các thời kỳ, thực hiện chính sách đối với cựu thanh niên xung phong, chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hoá học.
Trải qua hơn 12 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh Phú Thọ đã có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội cấp huyện và 15 chi hội liên kết. Hội đã đính chính, cung cấp thông tin liệt sĩ cho 7.114 trường hợp; hỗ trợ di chuyển 158 hài cốt liệt sĩ về quê hương; tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đối với 172 trường hợp; tặng 16 nhà tình nghĩa, 68 sổ tiết kiệm; tặng 2.518 suất quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Những kết quả trên đã khẳng định rõ nét vai trò, vị trí của Hội và được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh ghi nhận. Hội HTGĐLS tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là thành viên Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ của tỉnh, Ban Chỉ đạo xác nhận Người có công của tỉnh và là thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh…
Đoàn viên thanh niên dâng hoa tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh ở đồi Cá Chuối, xã Chu Hóa, TP. Việt Trì.
Nỗ lực “trả lại tên cho anh”
Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, nước ta có hơn 4 triệu thường dân bị chết do bom đạn, kẻ thù giết hại; trên 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiện chỉ còn khoảng 3.000 Mẹ còn sống; 1.146.250 liệt sĩ, trong đó gần 180.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia và biên giới phía Bắc. Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã đưa về quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị.
Sự ra đời của Chỉ thị số 24, ngày 15/3/2013 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc ta.
Nhìn lại chặng đường hoạt động gần 14 năm qua, Hội HTGĐLS Việt Nam và các tổ chức Hội trên toàn quốc, trong đó có Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ đã trở thành “cánh tay nối dài” gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với các gia đình liệt sĩ, là địa chỉ tin cậy đối với các thân nhân liệt sĩ trong việc cung cấp, kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Chính phủ đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Theo đó, Hội đã tiếp nhận và xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ, lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ để giám định ADN, trong đó gần 500 liệt sĩ đã xác định được danh tính thông qua phương pháp này.
Hội đã tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình đi tìm hài cốt; trên 200 gia đình xác định được hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Hoạt động hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ đã đem lại niềm tin, hy vọng cho các gia đình liệt sĩ, góp phần giảm thiểu nạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo hình thức mê tín dị đoan.
Các tổ chức của Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm trên các nghĩa trang, giúp đỡ đính chính thông tin ở bia mộ, cất bốc và di chuyển được trên 1.200 hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Cùng với hoạt động hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Hội đã có nhiều văn bản kiến nghị với Bộ LĐ,TB&XH và các cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi một số chính sách ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, trong đó kiến nghị Nhà nước cần xây dựng ngân hàng gen liệt sĩ giúp cho các gia đình có nguyện vọng xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng giám định ADN.
Tuy nhiên, thực tế công tác tìm kiếm, thu thập thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ trong cả nước nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng đang ngày càng trở nên khó khăn. Bởi hiện nay cả nước vẫn còn hơn 300.000 liệt sĩ dù đã được quy tập tại các nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính và gần 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập. Nơi chôn cất ban đầu của các liệt sĩ qua thời gian đã thay đổi, thông tin về các liệt sĩ ngày càng bị mai một vì các nhân chứng ít dần.
Hài cốt liệt sĩ bị phân hủy khó lấy mẫu giám định ADN… trong khi nguyện vọng đưa hài cốt người thân về với đất mẹ quê hương ngày càng nhiều. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác tri ân liệt sĩ, sự kết nối thông tin từ các hội viên Hội HTGĐLS Việt Nam trên khắp cả nước đến với thân nhân, gia đình liệt sĩ ở mỗi địa phương.
Tiếp tục tìm kiếm thông tin về liệt sĩ, quy tập, đón nhận hài cốt liệt sĩ trở về với quê hương, đất mẹ là nhiệm vụ hết sức nặng nề đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Từ những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, sự đồng hành của Hội HTGĐLS tỉnh đã góp phần tích cực vào kết quả chung của Hội HTGĐLS Việt Nam trên hành trình tri ân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Từ những kết quả mà Hội HTGĐLS Việt Nam nói chung và Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ nói riêng đạt được đã truyền lửa cho thế hệ hôm nay tiếp tục thể hiện tấm lòng tri ân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “trả lại tên” cho các Anh hùng liệt sĩ, làm dịu nỗi đau do chiến tranh để lại.
baophutho.vn