NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
CCB ĐÀO THIỆN SÍNH GỬI CHÙM THƠ (TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA) LÀ LỜI TRI ÂN TỚI CÁC LIỆT SỸ VÀ ĐỒNG ĐỘI THÂN YÊU – CÙNG VỚI ĐỒNG BÀO TRÊN DÃY TRƯỜNG SƠN VỚI MỐI TÌNH THUỶ CHUNG SON SẮT GIỮA 3 DÂN TỘC VIỆT NAM – LÀO – CAMPUCHIA; BBT trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài VI:
GẶP LẠI TÂY NINH
(Kính tặng các anh chị đã từng ở chiến trường Tây Ninh thời máu lửa)
Chiến trường xưa đất Tây Ninh
Chúng mình trở lại Hòa Thành1, Tân Châu1.
Mỏ Công1, Chàng Riệc1, Bến Cầu1
Thương nhau da đã đổi màu hành quân
Thiện Ngôn1, Sa Mát1 gian truân
Bom rền, đạn réo bao lần máu tuôn!
Bầu Tràm1 ngày tháng thiếu cơm
Áo sờn vai rát Chi Mon1 những ngày
Mà sao đời vẫn vui thay
Dù trong gian khổ đong đầy niềm tin
Bến Ra1 thao thức con tim…
Lò Gồ1 tình nặng rau dền, lá giang.
Cùng nhau vượt suối băng ngàn
Tuổi xuân ca, múa ngập tràn niềm vui
Sống trong heo hút rừng đồi Tân Biên1,
Tân Lập1 tiếng cười ngày đêm.
Một thời máu lửa không quên
Cà Tum1, Tà Béc1, Suối Tiên1, Tân Hà1
Bây giờ tuổi chúng ta già
Mà sao vẫn nhớ Phum Đa1, Tân Thành1?
Tha La1, Tà Nốt1, Phước Vinh1
An Cơ1, Trại Bí1, Nàng Dinh1, Sông Chờ1
Nhớ nhau đến tận bây giờ
Bởi trong gian khổ…nương nhờ vào nhau.
Gặp đây!… đầu đã bạc đầu…
Cùng nhau ca, hát đêm thâu giữa rừng
Chia tay đôi mắt rưng rưng
Liệu còn gặp lại hay dừng ở đây?
Vần thơ tặng bạn lúc này
Chúc nhau sức khỏe, như cây giữa ngàn
Tháng ngày vui với xóm làng
Mà trong trí nhớ rộn ràng… Tây Ninh.
Căn cứ TWC Miền Nam Tân Biên, ngày 22-04-2010
Đào Thiện Sính – 0918.793.918
(Ghi chú: số 1 là những địa danh)
Cảm nhận về bài thơ: GẶP LẠI TÂY NINH
(Tp.HCM, tháng 04/2012 Phan Văn Phúc – nguyên chiến sỹ an ninh T4)
Đào Thiện Sính là nhà thơ chiến sỹ, vừa thành công qua bài thơ “Gặp lại tuổi hai mươi” đã làm lay động tâm hồn hàng ngàn thanh niên xung phong “thời máu lửa “ trên con đường Trường Sơn huyền thoại… “Chúng mình ngày ấy hai mươi/ Làm đường xe chạy bom vùi chẳng lo/ Hương Đô ngọt những giọng hò/ Xen câu ví dặm ai chờ ai đây/ Qua đêm mong lại đến ngày/ Con sông ngàn phố đong đầy tình xa!…”
Rồi đến bài đi tìm đồng đội” đã được hàng chục ngàn gia đình liệt sỹ và đồng đội thân yêu gửi đến anh lời cảm ơn chí tình, tình nghĩa…” Các anh chưa được về/ Người thân mong đợi chiều quê mẹ buồn/ Tôi nay sức khỏe vẫn còn/ Ngày đêm vượt khó đi tìm các anh…Thành công của bài thơ còn được đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa làm nền cho bộ phim tài liệu : “Dấu Chân Người Lính” , được đông đảo nhân dân cả nước đang truy cập trên mạng internet.
Đầu xuân năm nay được đọc bài thơ “Trở lại Tây Ninh” của anh, là CCB đã gần 80 tuổi vô cùng xúc động bởi cách gieo vần, chọn từ khéo léo và chân thực, chính từ trong cách nhìn thực tế của chiến trường Tây Ninh thuở xưa mà anh nặng lòng với đồng đội mới toát ra những vần thơ ấy.
Chiến trường xưa đất Tây Ninh
Chúng mình trở lại Hòa Thành, Tân Châu
Mỏ Công, Chàng Riệc, Bến Cầu
Thương nhau da đã đổi màu hành quân…
Mấy mươi năm xa cách bây giờ gặp lại nhau vấn tớ, cậu , chúng mình. Bốn câu mở đầu là tiếng reo mừng của hàng trăm, hàng ngàn đồng đội trở về chiến trường xưa, tay bắt mặt rừng, ôm nhau cảm động bởi họ đang đứng trên mảnh đất mà máu của họ đã đổ, đồng đội của họ đã tan nát thịt, xương.
Thiện Ngôn, Xa Mát gian truân
Bom rền, đạn réo bao lần máu tuôn!
Cái khắc nghiệt của thiên nhiên: mùa khô trời nóng như nung/ mùa mưa xối xả với từng trận mưa…lại còn thiếu áo, thiếu cơm, thiếu từng viên thuốc sốt, mà bát cơm san sẻ tình bạn thủy chung.
Bầu Tràm ngày tháng thiếu cơm
Áo sờn vai rát Chi Mon những ngày
Mà sao đời vẫn vui thay
Dù trong gian khổ đong đầy niềm tin.
Bất chợt ta nhớ lại câu thơ của nhà thơ lớn Tố Hữu… “Có ở đâu trên trái đất này/ Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay/ Sống chết từng giây mưa bom bão đạn”
Đời vẫn cứ vui với rau dền, lá giang mà tình đồng đội vẫn ấm nồng, hòa huyện vào nhau để làm nên chiến công nối tiếp chiến công. Các tổ chức của Trung ương Cục, hệ thống chính trị của chính phủ cách mạng lâm thời sống và chiến đấu ở những vùng rừng núi heo hút mà tiếng cười tiếng hát vẫn ngày đêm lạc quan yêu đời đi qua tuổi thanh xuân lúc nào không biết.
Sống trong heo hút rừng đồi
Tân Biên, Tân Lập tiếng cười ngày đêm.
Tình đồng đội chan chứa yêu thương trải dài theo năm tháng. Sau ngày thống nhất nước nhà chia tay nhau họ về mọi miền của đất nước. Bẵng đi đã gần 40 năm, nay gặp lại buồn vui lẫn lộn, sung sướng ôm lấy nhau nước mắt tuôn trào… “mày có phải…phải…thằng ấy không?…” Họ lo lắng cho nhau liệu có lần sau gặp lại?… bởi tuổi già sức yếu mà khoảng cách quá xa, điều kiện kinh tế của mỗi người có khác nhau, đâu phải ai cũng đủ đầy… Từ trong sâu thẳm của cõi lòng chỉ biết chúc nhau sức khỏe và giữa gìn phẩm chất cách mạng như thuở xưa. Chúc nhau sức khỏe “khỏe như cây ở ngàn” đó là cách nói ví von của nhà thơ ngợi ca tinh thần đoàn kết keo sơn của quân dân ta trong mọi thời kỳ. giọng nói thân thương bộc bạch toát ra từ khi tóc còn xanh cho đến hôm nay mái đầu đã bạc…
Nhớ nhau đến tận bây giờ
Bởi trong gian khổ…nương nhờ vào nhau.
Gặp đây!…đầu đã bạc đầu…
Cùng nhau ca, hát đêm thâu giữa rừng
Chia tay đôi mắt rưng rưng
Liệu còn gặp lại hay dừng ở đây?
Thời gian trôi quá nhanh, những nẻo đường hành quân đã bị xóa nhòa do sự phát triển tất yếu của xã hội – nhà nối tiếp nhà, đường kết nối với đường chạy dọc, ngang từ thành thị đến các vùng mền. Điện sáng lung linh trên mọi nẻo đường. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Ta lại bồi hồi về xóm đạo heo hút ven rừng – nữ tu hành xếp áo tu gửi lại kinh cầu nguyện đi chiến đấu giải phóng quê hương… “Bao năm qua khói lửa mịt mù/ người nước nước Việt ra đi vì nước Việt/ Tha la vắng vì Tha la đã biết/ Thương giống nòi đau, đất nước lầm than”… Thơ Vũ Anh Khanh đứa con miền Đông Nam Bộ trong bài “Hận tha la” mà chúng tôi vẫn truyền, trao nhau thuộc lòng những năm dài kháng chiến, vần thơ tươi đẹp, bi hùng còn vang vọng đến bây giờ. Tha La – Tà Nốt – Mỏ Công – Chàng Riệc – Bầu Tràm – Thiện Ngôn – Xa Mát – Lò Gò – Tân Lập – An Cơ… chỉ là những số ít địa danh trong hàng ngàn địa danh máu lửa thời loạn lạc nhưng cũng là những dấu ấn mãi mãi sống trong lòng mỗi người đã biết đến Tây Ninh.
Tháng ngày vui với xóm làng
Mà trong trí nhớ rộn ràng… Tây Ninh.
Chia tay nhau về với thành phố, xóm làng nhưng lòng chúng ta vẫn ngất ngây nhớ về đồng đội: Những ngày đêm bom dội/ Đoàn quân vẫn hành quân/ vẫn còn đâu đó văng vẳng lời bài hát “Vàm cỏ đông, ơi hỡi dòng sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”… Ta nguyện với nhau rằng hãy sống thật đẹp những ngày thật đẹp những ngày còn lại, để xứng đáng với hàng vạn nam, nữ quân giải phóng và đồng bào của mình đã ngã xuống mảnh đất Tây Ninh. Ta thành kính dâng lên các anh, các chị những nén hương của tình đồng chí, đồng đội, đồng bào thủy chung son sắt. Trong những năm tháng kháng chiến khói lửa đầy máu xương và nước mắt.
- Tây Ninh là điểm dừng chân của các binh đoàn quân chủ lực.
- Tây Ninh được mệnh danh là thủ đô kháng chiến.
- Tây Ninh là một phần máu thịt của miền Nam thành đồng Tổ Quốc!