Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến thăm viếng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước hương linh các anh hùng liệt sĩ.
Các cựu thanh niên xung phong Đoàn 559 dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Những ngày tháng 4 lịch sử này, người dân từ khắp mọi miền đất nước hướng về lễ kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024). Trên chuyến hành trình thăm lại mảnh đất anh hùng Quảng Trị, nơi những năm tháng chiến tranh ác liệt, có biết bao người con trung kiên đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, không một ai tránh khỏi bồi hồi xúc động khi dừng chân tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị.
Nằm trên vùng đồi tĩnh lặng, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.800 Anh hùng liệt sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Về thăm lại chiến trường xưa, ông Nguyễn Văn Hữu, cựu thanh niên xung phong Đoàn 559, Quảng Bình, không khỏi xúc động khi cùng đồng đội dâng hương tại nghĩa trang. Ông Nguyễn Văn Hữu bồi hồi nhớ lại: “Trước kia, tôi cùng các anh chị em cũng chiến đấu giữa mùa hè đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị. Cứ mỗi lần đến Quảng Trị, ký ức xưa lại ùa về, không sao quên nổi. Đồng đội tôi người nằm xuống khi tuổi mới đôi mươi, nhưng sự anh dũng hy sinh của họ phải được ghi nhớ ngàn đời”.
Đoàn viếng thăm đi đến từng phần mộ các anh hùng liệt sĩ, vừa thắp từng nén hương, vừa trò chuyện ôn lại những kỷ niệm xưa. Có những cựu chiến binh tuy tuổi đã cao nhưng mỗi năm, cứ đến dịp 30/4 và 27/7 đều đặn đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đưa đôi bàn tay chạm vào từng phần mộ, ông Hữu thủ thỉ đôi điều rồi có lúc mắt ngấn lệ khi thấy những bia mộ vẫn chưa xác định được thông tin.
Gia đình thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng đặt vòng hoa tưởng niệm.
Hòa cùng dòng người vào kính viếng, gia đình Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng – Nguyên Phó chủ nhiệm – Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần đã đến đặt vòng hoa, dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước hương linh các anh hùng liệt sĩ.
Trong dịp lễ 30/4 năm nay, không chỉ gia đình, thân nhân các anh hùng liệt sĩ đến thăm viếng mà còn có sự hiện diện của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và nhiều tỉnh khác trên cả nước. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đoàn thể cũng đến dâng hương tưởng niệm. Đoàn cán bộ phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã thỉnh 9 tiếng chuông để kính báo trước hương linh các anh hùng. Ông Đỗ Vượng – Chủ tịch UBND phường Đông Ngàn cho biết, năm nay, theo chuyến hành trình, đoàn đã ghé thăm Ngã ba Đồng Lộc, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hang Tám Cô, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. “Mỗi điểm dừng chân đều kể cho chúng tôi những câu chuyện vô cùng hào hùng và xúc động về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng”, ông Đỗ Vượng bồi hồi chia sẻ.
Đại diện nhân viên ban quản lý nghĩa trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, ông Hoàng Thạnh cho biết, năm nay, lượng khách đến viếng bắt đầu tăng cao từ ngày 15/4 nhưng so với mọi năm có sự sụt giảm. Ông Thạnh lý giải một phần nguyên nhân đến từ thời tiết nắng nóng kéo dài và phần lớn các cựu chiến binh tuổi đã cao nên việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết khách đến viếng là nhân dân trong tỉnh và các tỉnh thành phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Lai Châu, Hải Phòng,…
Gia đình các anh hùng liệt sỹ đến thắp hương tại các phần mộ.
Gắn bó với công việc đón tiếp thân nhân các gia đình liệt sĩ, khách viếng thăm đã hơn 15 năm, ông Thạnh luôn tâm niệm: “Công việc này với tôi có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Chính vì thế, không chỉ dịp lễ mà cả những ngày thường, chúng tôi luôn làm sạch khuôn viên để nơi đây luôn xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm”.
Được biết, để đảm bảo công tác phục vụ nhân dân đến viếng vào dịp hè nắng nóng, nghĩa trang Đường 9 đã trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy hiện đại và được nhân viên túc trực thường xuyên.
Trong chiến tranh, Quảng Trị là vùng “đất lửa” bởi mảnh đất này đã oằn mình gánh chịu bao trận mưa bom, bão đạn. Máu thắm của các chiến sĩ đã đổ xuống để giành lại từng tấc đất cho dân tộc Việt Nam. Ngày đất nước được hòa bình, thống nhất, Quảng Trị trở thành mảnh “đất thiêng” bởi nơi đây trở thành chốn yên nghỉ vĩnh hằng của gần 6 vạn mộ liệt sĩ, quy tập ở 72 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia.
Bài và ảnh: Hà Trang
(Theo Sóng trẻ)