Mỗi lần đưa các liệt sĩ trở về quê hương, mỗi lần gặp gỡ, chia sẻ và tiếp nhận thông tin từ gia đình các thân nhân liệt sĩ là những lần các đồng chí trong Ban thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh (HTGĐLS) lại không khỏi xúc động. Trên hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho đồng đội, giúp đỡ thân nhân liệt sĩ… dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đổi lại các hoạt động của Hội đã phần nào giúp yên lòng thân nhân, gia đình các liệt sĩ, xoa dịu nỗi đau, bù đắp những mất mát, đau thương do chiến tranh để lại.
Trải qua các cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ, Phú Thọ là địa phương có số lượng liệt sĩ đông nhất trong số các tỉnh thuộc Quân khu 2 với gần 18.000 liệt sĩ. Phát huy vai trò cầu nối giữa các gia đình liệt sĩ với các cấp, ngành và đoàn thể, hơn 10 năm kể từ khi thành lập đến nay, Hội đã trực tiếp đi tới trên 800 nghĩa trang trên cả nước để thu thập, chia sẻ, kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giúp cho hơn 7.500 gia đình liệt sĩ có được thông tin về phần mộ, nơi hy sinh, trường hợp hy sinh, nơi an táng. Hỗ trợ giám định ADN cho 220 trường hợp, trong đó có 54 trường hợp kết quả đúng và hỗ trợ đưa hơn 200 hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà.
Thường trực Hội tra cứu, xác minh mộ liệt sĩ còn thiếu, sai lệch thông tin.
Xác định việc tìm kiếm thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội HTGĐLS tỉnh đã chủ động tiến hành các hình thức thu thập thông tin đa dạng thông qua các tổ chức, thân nhân liệt sĩ, các cấp Hội Cựu chiến binh. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp cho Hội sổ ghi danh liệt sĩ của toàn tỉnh, làm cơ sở để tra cứu khi tiếp nhận được thông tin.
Đại tá Phạm Quyết Chiến – Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay Hội đã tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình di chuyển 36 hài cốt liệt sĩ về quê và dự lễ đón nhận, truy điệu, an táng; đính chính thông tin liệt sĩ trên bia mộ và hồ sơ cho 31 trường hợp; triển khai hỗ trợ xây dựng 3 nhà tình nghĩa, với tổng số tiền 680 triệu đồng. Thời gian tới, Hội HTGĐLS tỉnh tiếp tục hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, sẽ là địa chỉ, chỗ dựa tin cậy, cầu nối giữa gia đình liệt sĩ và các cơ quan có liên quan, thiết thực góp phần làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Cùng với việc đón tiếp tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại trụ sở, Hội cũng đã thường xuyên hỗ trợ, tư vấn trên nền tảng mạng xã hội và qua điện thoại cho các gia đình đình liệt sĩ về các nội dung như: Tìm kiếm thông tin liệt sĩ, xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh, đính chính thông tin liệt sĩ, in sao giấy báo tử, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công, thủ tục giám định ADN, thăm viếng và di chuyển hài cốt liệt sĩ…
Hội HTGĐLS tỉnh đưa liệt sĩ Đinh Công Trí, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn về an táng tại nghĩa trang quê nhà.
Đồng thời, Hội cũng đã tích cực triển khai hoạt động tri ân, “Đền ơn, đáp nghĩa” đối với các gia đình liệt sĩ thông qua việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thăm hỏi, tặng quà, thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm cho các gia đình liệt sĩ. Chứng kiến những thân nhân của liệt sĩ được sống trong ngôi nhà mới, có nơi thờ cúng liệt sĩ khang trang, các thành viên trong Hội ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá quân đội Phạm Quyết Chiến năm nay đã ngoài 70 tuổi trăn trở: Trực tiếp đồng hành với thân nhân liệt sĩ tìm kiếm người thân của mình, chứng kiến người mẹ già lưng còng, mặt chạm gối, đi phải có người dìu, khóc nghẹn bên hài cốt con mình ngày được đưa về quê hương an táng, chúng tôi càng thêm quyết tâm phải làm hết sức có thể để đồng đội của mình được yên nghỉ trọn vẹn.
Với phương châm hoạt động thiện nguyện, tâm huyết, nghĩa tình, Hội HTGĐLS tỉnh đã trở thành ngôi nhà chung của thân nhân liệt sĩ, là cầu nối để các gia đình gửi gắm niềm tin, hy vọng trên hành trình tìm kiếm liệt sĩ.