World Cup 2022 đã cho thấy sự giao thoa, thích ứng và thay đổi nhanh chóng của các nền bóng đá trên tất cả các châu lục. Nhiều phát kiến mới về lối chơi, đấu pháp đã đem lại hiệu quả. Tất cả đều phát triển trên nguyên tắc chủ động “chế người không để người chế mình”.
Nguyên tắc này bắt nguồn từ chiến tranh. Ở Việt Nam, “tiên phát chế nhân” đã được Lý Thường Kiệt thực hiện thành công trong thế kỷ 11. Đến thế kỷ 15, sau khi cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, sử gia các đời sau đã tổng kết: “Chế người không để người chế mình”. Thế kỷ 20, suốt 30 năm kháng chiến, chính nghệ thuật chiến tranh nhân dân kỳ diệu đã tạo nên thế chủ động từng bước, từng trận cứ “lấy yếu thắng mạnh” đến “lấy mạnh thắng yếu”, “kiên quyết không ngừng thế tiến công”.
Trong các môn thể thao, không có môn nào đem đến sức liên tưởng với quân sự và chiến tranh nhiều như bóng đá. Tính đối kháng tập thể, công và thủ trên hai phần sân buộc hai đối thủ phải dùng đến những chiến lược, chiến thuật phù hợp và ứng biến linh hoạt để khắc chế nhau.
Trở lại World Cup 2022, hàng loạt “biến thể” mới từ lối chơi kiểm soát bóng, tổ chức tấn công từ dưới lên, đánh từ hai cánh, pressing tầm thấp, tầm cao, phòng ngự-phản công hay kỹ thuật chơi chân của thủ môn được áp dụng phổ biến.
Nhật Bản gây sốc tại World Cup 2022. Nguồn: AFP/Getty Images |
Tại vòng bảng, sự tính toán hay chủ quan của các đội bóng lớn là có thật và đó là cơ hội để các đội bóng yếu hơn tranh đoạt. Nhưng không có thực lực nhất định, không có sự chuẩn bị kỹ càng về tâm thế, cách chơi và đòn đánh thì cơ hội sẽ trôi qua. Thế thủ vững, Nhật Bản đã không để bị động trước sức công phá của các mũi công Đức, Tây Ban Nha, nhất là khi đối thủ không có trung phong sắc bén. Tiếp đó là những con bài chiến thuật về tốc độ và kỹ năng dứt điểm được tung vào đã tạo nên bất ngờ khiến Đức và Tây Ban Nha trở tay không kịp. Cảnh giác với Nhật Bản quá nguy hiểm, Croatia già dơ đã lập thế trận cẩn trọng, chế ngự bất ngờ từ các ngòi nổ đối phương và dẫn dắt trận đấu đến loạt luân lưu mà họ thừa kinh nghiệm từng trải. Ở giải này, Croatia một lần nữa không phải là đội toàn diện, toàn tài nhất, song nghệ thuật bài binh bố trận của họ là tuyệt đỉnh tinh khôn.
Giống Nhật Bản, Morocco công thủ khá toàn diện. Cho đến trước tứ kết gặp Bồ Đào Nha (ngày 10-12), họ là đội duy nhất tại World Cup mới thủng lưới 1 bàn và ghi được 4 bàn; trong đó bàn thua là do cầu thủ họ tự đá phản. “Công phu” đặc sắc nhất của đại diện châu Phi chính là hạ gục Tây Ban Nha trên chấm luân lưu sau khi đã hóa giải được lối chơi tiqui-taca còn non sượng của đối thủ.
Vì sao Nhật Bản, Morocco? Có nhiều điều phải nói về chiến lược phát triển bóng đá, xây dựng lực lượng, nghiên cứu đối thủ. Trong tất cả không thể bỏ qua một nguyên tắc có tính quân sự khác là “biết mình biết người”. Chẳng phải số đông cầu thủ của Nhật Bản chơi tại Đức và số đông cầu thủ chơi ở Tây Ban Nha đã giúp đội tuyển của họ làm nên chuyện đó sao? “Ngụ binh ư ngoại quốc”-gửi quân trong lòng đối thủ, học và trưởng thành từ chính kẻ mạnh đã làm họ mạnh lên và hiểu người, biết ta hơn.
World Cup 2022 dường như là một cột mốc chuyển đổi lối chơi của bóng đá thế giới. Còn thực dụng, tất yếu thôi nhưng không còn nữa lối đá cố thủ, phòng ngự tiêu cực của các đội bóng cửa dưới. Không còn “bê tông”, “xe buýt” kiểu cũ, bởi thuần túy phòng thủ, sớm muộn mọi “bức tường thành” tĩnh, cố định sẽ bị xuyên thủng. Thay vào đó là lập thế thủ bằng pressing cả tầm thấp, tầm cao sẵn sàng khóa và mở cánh phản công, tấn công. World Cup này “mở” hơn vì thế và cũng khó lường hơn vì thế.
THƯỜNG NGUYỄN – BÁO QĐND